Theo Báo cáo Ước tính tử vong trẻ em toàn cầu năm 2025 và Báo cáo về thai chết lưu - những báo cáo đầu tiên trong loạt dữ liệu toàn cầu quan trọng được công bố năm 2025 - cho thấy, từ năm 2000 đến nay, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và thai chết lưu. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 50%, trong khi tỷ lệ thai chết lưu giảm hơn 35%, phản ánh hiệu quả của các khoản đầu tư dài hạn vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Một dấu mốc quan trọng được ghi nhận vào năm 2022, khi lần đầu tiên số ca tử vong ở trẻ em toàn cầu giảm xuống dưới 5 triệu. Tuy nhiên, đà tiến bộ này đang có dấu hiệu chững lại, và mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ em thiệt mạng vì những nguyên nhân hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
![]() |
Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF. (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Hàng triệu trẻ em ngày nay có cơ hội được sống nhờ vào các cam kết toàn cầu đối với những biện pháp can thiệp hiệu quả, như tiêm chủng, dinh dưỡng, tiếp cận nước sạch và vệ sinh cơ bản. Việc giảm số ca tử vong ở trẻ em do nguyên nhân có thể phòng ngừa xuống mức thấp kỷ lục là một thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách đúng đắn và đầu tư đầy đủ, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu quan trọng này, khiến hàng triệu trẻ em tử vong vì những nguyên nhân hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.
Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF
Khi dòng viện trợ chậm lại, nguy cơ tử vong ở trẻ em tăng cao
Việc các nhà tài trợ lớn đã công bố hoặc có kế hoạch cắt giảm đáng kể viện trợ trong tương lai được các chuyên gia Liên hợp quốc nhận định sẽ ảnh hưởng tới tiến bộ của nhiều thập kỷ trong việc cải thiện sự sống còn của trẻ em.
Viện trợ toàn cầu cho các chương trình cứu sống trẻ em bị cắt giảm dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế, đóng cửa các cơ sở y tế, gián đoạn chương trình tiêm chủng và thiếu hụt các vật tư thiết yếu như thuốc điều trị sốt rét. Các khu vực đang diễn ra khủng hoảng nhân đạo và những vùng có tỷ lệ tử vong trẻ em cao sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
![]() |
Porbilla Ofosu-Apea – cán bộ dinh dưỡng của UNICEF – trò chuyện với y tá trưởng Evelyn Puoviel tại khu vực chăm sóc trẻ sinh non do UNICEF hỗ trợ, đặt tại Bệnh viện Tamale West, thành phố Tamale, Ghana. (Ảnh: UNICEF) |
Giảm viện trợ toàn cầu cũng có thể làm suy yếu những nỗ lực trong công tác giám sát và theo dõi, khiến việc tiếp cận tới những trẻ em dễ bị tổn thương nhất trở nên khó khăn hơn, theo cảnh báo của Nhóm công tác Liên hợp quốc.
Từ việc điều trị bệnh sốt rét đến việc ngăn ngừa thai chết lưu và bảo đảm chăm sóc cho những trẻ nhỏ nhất, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt cho hàng triệu gia đình. Đối mặt với việc cắt giảm tài trợ toàn cầu, việc tăng cường hợp tác là cần thiết hơn bao giờ hết để bảo vệ và cải thiện sức khỏe trẻ em.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới
Ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, những tiến bộ trong việc cứu sống trẻ em đã chậm lại.
Từ năm 2015, tỷ lệ giảm tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đã chậm lại 42%, trong khi tỷ lệ giảm thai chết lưu đã chậm lại 53% so với giai đoạn 2000-2015. Gần một nửa số ca tử vong trẻ dưới 5 tuổi xảy ra trong tháng đầu đời, chủ yếu do sinh non và các biến chứng trong quá trình sinh nở.
Sau giai đoạn sơ sinh, các bệnh truyền nhiễm bao gồm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như viêm phổi, sốt rét và tiêu chảy là những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em mà hoàn toàn có thể phòng ngừa được. 45% trường hợp thai chết lưu muộn xảy ra trong quá trình sinh nở, thường do nhiễm trùng mẹ, chuyển dạ kéo dài, khó khăn hoặc thiếu sự can thiệp y tế kịp thời.

UNICEF: Hơn 178.000 ca mắc bệnh tả, 2.900 ca tử vong, ở khu vực đông và nam châu Phi
Hợp tác và hành động: Chìa khóa để duy trì và mở rộng tiến bộ y tế toàn cầu
Báo cáo Ước tính tử vong trẻ em toàn cầu năm 2025 chỉ ra rằng, việc tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có chất lượng ở mọi cấp độ của hệ thống y tế có thể cứu sống rất nhiều trẻ em.
Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Chăm sóc dự phòng và nâng cao sức khỏe trong cộng đồng
- Thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế, chăm sóc y tế chuyên nghiệp trong và sau sinh
- Các chương trình chăm sóc phòng ngừa cho trẻ khỏe mạnh như: tiêm chủng định kỳ và dinh dưỡng toàn diện, chẩn đoán và điều trị các bệnh phổ biến ở trẻ, cùng với chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh non tháng và bị bệnh.
Báo cáo cũng cho thấy nơi một đứa trẻ được sinh ra ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội sống sót của chúng. Nguy cơ trẻ tử vong trước 5 tuổi cao hơn 80 lần ở quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất so với quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất.
Thí dụ, trung bình một đứa trẻ sinh ra ở châu Phi cận Sahara có nguy cơ tử vong trước 5 tuổi cao hơn 18 lần so với một đứa trẻ sinh ra ở Australia và New Zealand. Trong mỗi quốc gia, trẻ em nghèo nhất, trẻ sống ở nông thôn và trẻ có mẹ ít học vấn phải đối mặt với nguy cơ cao hơn.
![]() |
Một trẻ mắc bệnh tả tại Trung tâm Điều trị Afya Sake, CHDC Congo. (Ảnh: UNICEF) |
Hầu hết các ca tử vong trẻ em có thể phòng ngừa được xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi các dịch vụ thiết yếu, vaccine và phương pháp điều trị thường khó tiếp cận. Đầu tư vào sức khỏe trẻ em không chỉ đảm bảo sự sống còn của trẻ mà còn mở ra cơ hội giáo dục và đóng góp vào lực lượng lao động trong tương lai.
Ông Juan Pablo Uribe, Giám đốc Y tế Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới kiêm Giám đốc Quỹ Tài chính Toàn cầu
Các chuyên gia của Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các nhà tài trợ và đối tác trong khu vực tư nhân và khu vực công cùng bảo vệ những thành quả đã đạt được và đẩy nhanh các nỗ lực trong việc cứu sống trẻ em. Tăng cường đầu tư, tích hợp dịch vụ và đổi mới là cần thiết để mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, dinh dưỡng và an sinh xã hội đã được chứng minh là có hiệu quả cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
Mỗi khoản đầu tư, mỗi chính sách đúng đắn và mỗi sự hợp tác hiệu quả hôm nay đều có thể góp phần viết lại tương lai - nơi mọi đứa trẻ, dù sinh ra ở đâu, đều có cơ hội được sống, được khỏe mạnh và được lớn lên an toàn.