Thành tựu mới của ngành chăn nuôi

Vừa qua, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lần đầu công bố kết quả nghiên cứu, ứng dụng đề tài nhân bản thành công lợn ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma mô tai. Đây là bước tiến vượt bậc của các nhà khoa học trong lĩnh vực nhân bản động vật, đồng thời khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế nền khoa học - công nghệ của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; là tiền đề mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi.

Cán bộ Viện Chăn nuôi chăm sóc lợn ỉ nhân bản. Ảnh: VĂN GIANG
Cán bộ Viện Chăn nuôi chăm sóc lợn ỉ nhân bản. Ảnh: VĂN GIANG

Theo TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, đề tài "Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma" thuộc "Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020", được triển khai từ tháng 7-2017, với sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm, Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Thụy Phương. Đây là những nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, song với sự đam mê, tinh thần trách nhiệm cao, họ đã không ngừng đầu tư trí tuệ, cập nhật tiến bộ khoa học trên thế giới, ngày đêm tổ chức nghiên cứu, xây dựng, chuẩn hóa và đưa vào ứng dụng các công nghệ tiến bộ như: tạo dòng "tế bào nhận" có màng sáng hoặc không có màng sáng được sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào và tạo phôi lợn nhân bản; cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản với tỷ lệ tạo phôi nang lợn ỉ nhân bản đạt cao; cấy chuyển phôi lợn nhân bản; để thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật với quy trình tạo dòng "tế bào cho" từ mô tai lợn ỉ sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản.

Kết quả đạt được của đề tài đã được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế (Tạp chí Công nghệ sinh học, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tạp chí Theriogenology). Ưu điểm của phương pháp này dễ thao tác khi cấy chuyển nhân "tế bào cho", tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn. Mặt khác, việc cấy chuyển phôi lợn từ năm đến sáu ngày tuổi đã nâng cao tỷ lệ thụ thai từ 24% (ở mức trung bình trên thế giới) lên 61%. Thực tế cho thấy, ngày 10-3-2021 đã có bốn "lợn ỉ nhân bản" ra đời, khỏe mạnh và phát triển tốt.

Thành tựu nêu trên đã mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm. Kết hợp công nghệ nhân bản động vật với công nghệ chỉnh sửa gien để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo ra những con lợn nhân bản theo ý muốn, phục vụ việc cấy ghép nội tạng trong tương lai. Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhóm nghiên cứu của Viện Chăn nuôi đã chọn đúng đối tượng vì con lợn vẫn là đối tượng chiếm tỷ trọng chính trong thực phẩm ở Việt Nam. Đây cũng là con cần phục hồi vì là đặc sản, đặc hữu của nước ta. Viện Chăn nuôi cần rà soát lại toàn bộ quy trình để bảo đảm sự chắc chắn của kết quả, củng cố thành quả đạt được. Từ đó, Viện tiếp tục xây dựng các nhiệm vụ mới của phương pháp này để giữ gìn, bảo tồn những giống vật nuôi bản địa đặc biệt cũng như mở ra một hướng đi phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản bản địa trong thực hiện Chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cũng theo các chuyên gia nông nghiệp, xét trên bình diện tổng thể, nhiều quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển đã đầu tư công nghệ giống từ nhiều năm qua, song đến nay mới đạt được những thành tựu nhất định. Thí dụ, một con lợn hậu bị cấp giống cụ kỵ nhập từ Mỹ về có thể có giá lên đến hàng chục triệu đồng để sản xuất ra nguồn lợn giống cấp ông bà/bố mẹ. Thực tế, nếu chúng ta chủ động được nguồn lợn giống này với giá thấp hơn nhiều thì hiệu quả của ngành chăn nuôi sẽ đạt cao hơn. Bởi khi đã có giống đạt tiêu chuẩn, thực hiện chăn nuôi đồng bộ từ khâu quản lý đến các giải pháp kỹ thuật, chăm sóc nuôi dưỡng, cải tạo điều kiện vệ sinh môi trường tốt nhất sẽ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển ngày càng có chiều sâu, ổn định, bền vững hơn, phù hợp xu hướng mới: Giống vật nuôi phải mang tính đặc trưng: Năng suất tối ưu và chất lượng cao.