Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29), Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Cao Tân
Học sinh tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Cao Tân

Thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp) đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm triển khai các phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, do đó, nhà trường cần tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú theo phương pháp dạy học tiên tiến, hướng đến người học.

Cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: Để hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh, các giáo viên và nhà trường cần có các giải pháp cụ thể trong giảng dạy và học tập. Trong đó, nhà trường đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học, cũng như các hoạt động giáo dục khác nhằm giúp học sinh hình thành thói quen tự học, học theo hướng dẫn một cách hiệu quả, trở thành công dân của thành phố có ý thức học tập suốt đời; đồng thời, xem việc triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục là bước “chuyển mình” quan trọng để nhà trường thực hiện tốt nhất Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện trên địa bàn thành phố có nhiều trường học triển khai giảng dạy tin học cho học sinh theo Chương trình chuẩn tin học quốc tế. Theo các chuyên gia, việc trang bị kiến thức công nghệ thông tin, kỹ năng số không chỉ giúp học sinh mở rộng cơ hội học tập, tiếp cận các nguồn học liệu, tăng cường khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, mà còn giúp học sinh có động lực để học tập một cách độc lập.

Đây là những tiền đề quan trọng để các em trở thành những công dân toàn cầu, sẵn sàng hội nhập quốc tế, khai thác tốt kho tàng tri thức khổng lồ, cập nhật không ngừng của nhân loại. Là một trong những trường được đánh giá triển khai hiệu quả Chương trình chuẩn tin học quốc tế, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Quận 10) đã linh hoạt sử dụng giải pháp xã hội hóa, vận động nhà hảo tâm tham gia đầu tư. Đến nay, việc triển khai dạy học tin học theo chuẩn quốc tế thuận lợi, thông suốt, tạo tiền đề cho học sinh tiếp cận với các chương trình tin học tiên tiến của thế giới.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn xem giáo dục là mục tiêu phát triển hàng đầu, do đó, ngân sách dành cho giáo dục của địa phương luôn tăng theo từng năm, hiện chiếm khoảng 28% chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Ngoài ra, để cụ thể hóa Nghị quyết 29, thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, nghị quyết với định hướng đến năm 2030, giáo dục của thành phố đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á, và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Thực hiện mục tiêu này, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, đề án đột phá như: Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp; Đề án nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông; Chương trình dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam; Chương trình chất lượng cao trường tiên tiến, hội nhập quốc tế; Chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài... Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục; giúp học sinh năng động, sáng tạo, có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Trong giai đoạn 2013-2023, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên tổng chi ngân sách thành phố hằng năm đạt tỷ lệ từ 20-31%. Cùng với đó, thành phố ban hành nhiều chính sách thu hút các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư cho giáo dục như miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay thương mại, ưu đãi trong huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất...

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hướng đến mục tiêu giáo dục của thành phố đạt trình độ tiên tiến khu vực châu Á năm 2030, ngành giáo dục thành phố tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục theo xu thế hội nhập quốc tế. Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến để triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.