Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu, độc

NDO - Ngày 16/7, tại Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 10 diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho nhiều vấn đề quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chất vấn.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chất vấn.

Trước nạn tin giả, tin sai lệch được đặt ra từ các đại biểu, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các nội dung tồn tại trên Internet hiện nay thường đến từ hai nguồn, một là các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động, hai là từ các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok. Các tin giả chủ yếu xuất hiện và tồn tại ở nguồn thứ hai, trên nền tảng mạng xã hội, trong khi các cơ quan thông tin dưới sự kiểm soát thì đều được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.

Theo ông Thắng, rất khó để xử lý khi có sai phạm diễn ra trên không gian mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam, nhiều trang thông tin sử dụng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài. Khi bị yêu cầu gỡ bỏ thông tin, các trang này phần lớn đều tìm cách né tránh.

Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã nỗ lực hợp tác với các địa phương khác và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các giải pháp khác như tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và cẩm nang phòng, chống tin giả; hay ứng dụng công nghệ bằng cách phát triển và sử dụng hệ thống lắng nghe mạng xã hội đều được áp dụng.

Ông Thắng khẳng định, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh quá trình thay đổi thể chế, điều chỉnh Nghị định vì chưa bảo đảm về mặt pháp lý.

Theo kế hoạch, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được sửa đổi theo hướng tất cả các tài khoản trên mạng xã hội đều phải định danh và chỉ có các tài khoản định danh mới vào được bình luận.

Các đơn vị cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam trong vòng 24 giờ. Quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương khi có tin sai lệch liên quan đến các bộ, ngành, địa phương đó.

Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc, tin sai lệch.

Dự kiến trung tâm này sẽ đặt tại Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh. Kèm với việc hình thành trung tâm này, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương để xử lý tin giả.

Quy chế tập trung xác định ba bộ phận quan trọng: Bộ phận tiếp nhận thông tin; bộ phận xác định tin giả; bộ phận công bố tin giả, tin sai lệch. Ba bộ phận này sẽ phối hợp với nhau để hỗ trợ giảm thiểu tình trạng tin giả, tin sai lệch tràn lan hiện nay.

Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc nhận diện và chống tin giả, tin sai sự thật.