Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thu thuế căn nhà thứ 2

NDO - Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 2 phương án tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên.
0:00 / 0:00
0:00
Các dự án nhà ở tại khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Các dự án nhà ở tại khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Đề xuất này đã nhận được ý kiến nhiều chiều từ doanh nghiệp, người dân.

Hạn chế đầu cơ bất động sản

Phương án một, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Phương án thứ hai, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tăng mức thu liên quan nhà, đất thứ hai trở lên.

Cụ thể, lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà, đất thứ hai trở lên. Mức tăng do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định, gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng.

100% số thu tăng thêm từ các khoản thu thuế nhà đất thứ hai trở lên sẽ nộp vào ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và thành phố cho đến hết thời gian thực hiện nghị quyết.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu đề xuất tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên được thực thi sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này.

Cần có lộ trình cụ thể

Trao đổi với chúng tôi về đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất này là cần thiết để chống đầu cơ và giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững. Bởi thuế là công cụ hiệu quả có thể điều tiết nền kinh tế và thị trường địa ốc bên cạnh công cụ tín dụng và quy hoạch.

Tuy nhiên, ông Châu kiến nghị, nếu được đồng ý triển khai thì Thành phố phải có lộ trình cụ thể, thu thuế bất động sản phải tiến hành với việc cải cách các sắc thuế khác hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập.

Ông cho rằng, việc thí điểm có thể cân nhắc từ năm 2025, sau khi thị trường bất động sản ổn định về dòng tiền, pháp lý; đồng thời Bộ Tài chính đã ban hành Luật Thuế tài sản năm 2024. Bên cạnh đó, cũng cần phân loại cụ thể từng đối tượng sở hữu bất động sản thứ hai chứ không nên máy móc bởi lẽ phải xét đến diện tích căn nhà lớn hay nhỏ, cũng như chức năng sử dụng căn nhà đó và giá trị trên thị trường.

Tương tự, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển Tập đoàn DKRA cho rằng, cần phải xây dựng lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện, chưa nên áp dụng trong thời điểm thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay.

Khi thực hiện, thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý đối tượng phải đóng thuế một cách khoa học, từ đó mới xác định những người đó sở hữu bất động sản thứ 2.

Muốn làm việc này cần có sự đồng bộ về dữ liệu quản lý đất đai. Cần tham khảo mô hình ở các nước phát triển, ở các nước này quy định mỗi cá nhân được sở hữu bao nhiêu diện tích. Nếu vượt diện tích đó sẽ đánh thuế như thế nào cho hợp lý. Ban đầu có thể đánh thuế ở khu vực trung tâm trước vì những người mua bất động ở đó là người có điều kiện…

Ở quan điểm ngược chiều, chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng lại cho rằng, đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ không ngăn chặn được đầu cơ, bởi hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định đánh thuế sẽ giảm đầu cơ và tỷ lệ giảm đầu cơ là bao nhiêu, người dân vẫn có thể lách luật bằng cách nhờ người thân đứng tên.

Tuy nhiên, nếu thực hiện, việc đánh thuế cần phải phân loại rõ ràng và công bằng giữa các khu vực. Thí dụ nội, ngoại thành, đô thị, nông thôn, nhà đất ở và bất động sản dùng để sản xuất kinh doanh…