Tư duy xanh giữa buôn làng
Câu chuyện của Jơ Jê Ha Mi, người tiên phong trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, quyết định khởi nghiệp, làm giàu bằng sản xuất rau sạch, là động lực cho thanh niên trong vùng thêm niềm tin khởi nghiệp trên quê hương mình.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, Ha Mi luôn trăn trở với những bữa cơm đạm bạc của gia đình. Từ 50 triệu đồng vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, do Đoàn Thanh niên xã quản lý và 30 triệu đồng vay thêm của người thân, Ha Mi đầu tư mua vật tư, thiết bị, cải tạo vườn để trồng các loại rau thương phẩm hơn 8.000m2 đất của gia đình, để cung ứng thị trường.
Ha Mi chia sẻ, vượt qua sức ỳ, tập quán canh tác, văn hóa để thay đổi tư duy, khởi nghiệp theo hướng mới với thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số là không dễ dàng. “Nhờ đoàn thanh niên, cùng với sự tìm tòi, học hỏi và hơn hết là quyết tâm thay đổi cuộc sống, mình đã mạnh dạn lập nghiệp bằng sản phẩm mới trên chính buôn làng mình”, Ha Mi cho biết.
Với cộng đồng khởi nghiệp trẻ tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, cái tên Lưu Lập Đức (Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến), không còn xa lạ. Chàng thanh niên người Tày, lớn lên từ ruộng vườn huyện Đức Trọng đã làm giàu từ rau xanh, rồi miệt mài chia sẻ kinh nghiệm cho những người trẻ có cùng niềm đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Xuất ngũ năm 2013, Đức trở về quê hương bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Qua thời gian tìm hiểu, Đức quyết định thành lập tổ hợp tác để liên kết người dân cùng sản xuất; đồng thời, hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm. Năm 2019, anh cùng cộng sự thành lập Công ty TNHH Agri Đức Tiến, đánh dấu bước tiến lớn trên hành trình lập nghiệp.
Đến nay, doanh nghiệp của anh đã có hơn 160 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ; liên kết với hơn 20 nông hộ trên tổng diện tích 10ha, cung cấp cho thị trường hơn 20 tấn nông sản mỗi ngày. Năm 2021, Lưu Lập Đức được xướng danh trong tốp 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc; năm 2022, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc.
Lưu Lập Đức cho biết, khởi nghiệp là một quá trình, phải có đam mê, kiên trì và tự tin mới thành công. “Trước khi khởi nghiệp, phải biết chọn hướng đi đúng, phải tìm tòi, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh vùng đất mình lập nghiệp; thị hiếu, thị trường và phải tạo uy tín mới đứng vững được. Khi đã khẳng định thương hiệu, phải lan tỏa sự thành công đến cộng đồng, cùng với họ bắt tay liên kết cùng phát triển”, Đức chia sẻ.
Tại vùng xa Phước Cát, huyện Cát Tiên, điều kiện không mấy thuận lợi, nhưng với quyết tâm lớn, tư duy đột phá, Bế Thị Thu Huyền và Lương Thị Duyên bước đầu khởi nghiệp thành công trên quê hương mình, hiện thực hóa giấc mơ chocolate thuần Việt mang tên Bản Ca cao. Hai cô gái trẻ sinh năm 1993 bắt đầu hành trình tìm đầu ra cho sản phẩm ca-cao quê mình bằng việc chế biến hạt ca-cao thành các loại bột, bơ và chocolate.
Về thương hiệu “Bản Ca cao”, Huyền giải thích: “Cha mẹ chúng mình xuất thân từ vùng núi phía bắc, ở đó gọi bản giống như buôn, làng của người dân tộc Tây Nguyên. Bọn mình dùng bản để nhắc nhớ quê hương bản xứ. Bản, cũng là bản vị, bản chất…”. Qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm, “Bản Ca cao” đã có thương hiệu trên thị trường.
Dự án “Bản Ca cao” xuất sắc giành Giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2022”. Từ thành công bước đầu, hai bạn trẻ đã thành lập tổ hợp tác, sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được tham gia kết nối trong các nhóm OCOP, cùng các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm sản phẩm địa phương Lâm Đồng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Ndu Ha Biên cho biết, những năm gần đây, Tỉnh đoàn xây dựng nhiều chương trình, hoạt động, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ngày càng lan tỏa sâu rộng tại địa phương. Điều đáng mừng hơn, nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi tư duy, bước qua rào cản tập quán, mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Tiếp sức phong trào khởi nghiệp
Thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với cả nước, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp tại Lâm Đồng có điều kiện phát triển mạnh mẽ, trong đó có lực lượng thanh niên vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Hằng năm, Tỉnh đoàn Lâm Đồng đều tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, từ đó tìm kiếm, chọn lọc, trao thưởng các ý tưởng, dự án tiềm năng, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều vấn đề khó khăn; trong đó, vướng mắc lớn nhất là vốn đầu tư ban đầu. Thế nên, công tác hỗ trợ vay vốn cho thanh niên phát triển kinh tế được các cấp, các ngành quan tâm. Đến cuối năm 2022, tổng số vốn ủy thác cho vay qua Đoàn Thanh niên toàn tỉnh hơn 683 tỷ đồng, với gần 15 nghìn hộ vay. Trong đó, dự án thanh niên phát triển kinh tế được thụ hưởng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 83 tỷ đồng, với hơn 1.300 lao động là thanh niên.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, Tổ trưởng Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Phạm Thị Nhâm cho biết, địa phương đã tiến hành rà soát để hoàn thiện chương trình khởi nghiệp. Từ cơ chế, chính sách hỗ trợ, cơ chế tài chính đến phương thức triển khai thực hiện, giúp thanh niên khởi nghiệp tận dụng được lợi thế địa phương. Đồng thời, kết hợp các chương trình, như sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng, hỗ trợ khoa học-công nghệ, kết nối logistics, chuỗi cung ứng, thương mại điện tử…
Năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Đây chính là sự tiếp sức, tạo động lực cho lực lượng trẻ trên hành trình sử dụng tri thức để phát triển kinh tế, hiện thực hóa khát vọng làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Trong buổi đối thoại với thanh niên về chủ đề “Thanh niên Lâm Đồng với khởi nghiệp, lập nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đánh giá, đội ngũ thanh niên địa phương có nhiều sáng tạo, đột phá, tạo được những dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng, chủ động trong việc nắm bắt tiến bộ khoa học-công nghệ, tự tin trong hoạt động học tập, lao động sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng chí Trần Văn Hiệp khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ và đồng hành cùng các bạn trẻ trong quá trình lập thân, lập nghiệp”.