Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 13 triệu dân, kể cả khách vãng lai đi lại, sinh sống, là đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cơ bản của mỗi người dân. Việc lập Sở An toàn thực phẩm là thật sự cấp thiết đối với một đô thị đặc biệt, không ngừng phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, để bữa cơm của mỗi gia đình được an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro xảy ra...
Từ tháng 12/2016, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố được thành lập và hoạt động thí điểm. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm được xem là bước tiếp nối của mô hình thí điểm theo quyết định của Thủ tướng, cũng nhằm tháo gỡ những khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả đạt được sau sáu năm thí điểm hoạt động của cơ quan này.
Và, khi thành lập Sở An toàn thực phẩm, thành phố sẽ chuyển một số chức năng quản lý nhà nước của Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương (gồm: việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố) cho Sở An toàn thực phẩm.
Về nguồn nhân lực, số lượng người làm việc của Sở An toàn thực phẩm được chuyển nguyên trạng từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm và được Ủy ban nhân dân thành phố giao biên chế, trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế hành chính, số lượng người làm việc của thành phố.
Về việc tuyển dụng, sở phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp và theo quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, danh mục vị trí việc làm được phê duyệt, hằng năm Sở An toàn thực phẩm xây dựng kế hoạch biên chế, số lượng người làm việc trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định phân bổ theo quy định.
Với bộ máy và mô hình tổ chức cụ thể, công cụ quản lý nhà nước đã "nắm" trong tay; người dân thành phố có thể kỳ vọng gì vào Sở An toàn thực phẩm-được xem là sở chuyên về quản lý thực phẩm đầu tiên của cả nước? Làm sao để tránh những con cá "nhúng" hàn the, bó rau muống "ngâm" hóa chất, thực phẩm "tù mù", không rõ nguồn gốc... là trăn trở mà người tiêu dùng và người dân thành phố đặt ra khi sở này chính thức vận hành.
Câu trả lời chính là sự kỳ vọng vào một Sở An toàn thực phẩm đủ mạnh, vận dụng tất cả những quy định phù hợp, khung pháp lý để kiểm tra, thanh tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống khi phát hiện sai phạm phải xử lý quyết liệt đủ để răn đe.
Cần nhất là sở này tăng cường công tác hậu kiểm để kiểm soát tốt nhất vệ sinh thực phẩm ở một đô thị lớn, nơi có hàng triệu con người sinh sống và lưu trú, làm việc, học tập; phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa với các sở, ngành chức năng làm sao để thẩm quyền quản lý, chức năng xử phạt không bị giậm chân lên nhau, tránh chồng chéo và "nhầm lẫn" trách nhiệm; đồng thời, phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong công tác cấp phép, quản lý những hộ kinh doanh cá thể để địa phương là cánh tay nối dài hiệu quả của sở, ngành thành phố…