Thành lập Hội quế, hồi Lào Cai

NDO - Hội quế, hồi ở tỉnh Lào Cai được thành lập nhằm thống nhất, liên kết bà con nông dân, các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm quế và hồi trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị, hiệu quả kinh tế từ cây quế và hồi ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Thành lập Hội quế, hồi Lào Cai

Chiều 22/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Đại hội Hội quế, hồi lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2022-2027. Trên cơ sở đó, thành lập Hội quế, hồi ở tỉnh Lào Cai nhằm thống nhất, liên kết bà con nông dân, các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm quế và hồi trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị, hiệu quả kinh tế từ cây quế và hồi ở địa phương. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Hội quế, hồi.

Những năm qua, bà con nông dân ở Lào Cai tập trung phát triển mạnh cây quế, bước đầu khảo nghiệm và trồng cây hồi, tập trung ở địa bàn các xã vùng cao, vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao; trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 48 nghìn ha quế, tập trung ở các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà, Bảo Thắng; trong đó có hơn 3.600ha quế hữu cơ, tập trung ở huyện Bắc Hà và Văn Bàn với sự tham gia của hàng chục nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất và sơ chế sản phẩm quế thô.

Hiện, tỉnh Lào Cai có 16 cơ sở sản xuất chế biến tinh dầu và các sản phẩm từ quế; đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn tại Văn Vàn và Bảo Thắng của Công ty Quế hồi Việt Nam. Sản phẩm quế của Lào Cai đang xuất khẩu trực tiếp sang 9 thị trường, gồm: Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh, Qatar, Lebanon, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ. Song chủ yếu vẫn là các sản phẩm quế vỏ nguyên liệu và tinh dầu có giá trị thấp, rất ít tinh dầu được xuất khẩu sang thị trường cao cấp như EU, Mỹ.

Thành lập Hội quế, hồi Lào Cai ảnh 1

Khai thác và chế biến quế ở Lào Cai.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, mặc dù thời gian qua tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cây quế nhưng địa phương còn gặp không ít khó khăn.

Đó là, chất lượng nguồn giống chưa cao; hệ thống rừng giống trồng chưa có; kỹ thuật sản xuất cây con chủ yếu là người dân sử dụng kiến thức bản địa, kinh nghiệm lâu năm, chưa có kỹ thuật gieo ươm chính thống; diện tích rừng đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ còn chiếm tỷ lệ thấp. Việc tiêu thụ sản phẩm (vỏ, lá) phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái; người dân thường trồng theo phong trào dẫn đến không phát huy được sức mạnh tập thể, bị thương lái chèn ép về giá. Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng quế chưa có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với người dân, trong khi rừng quế lại chưa có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Để phát triển cây quế, hồi theo hướng hàng hóa, hữu cơ, sản phẩm sạch và đa dạng nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của cây quế, hồi ở địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thành lập Hội quế, hồi nhằm thống nhất, liên kết bà con nông dân, các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm quế và hồi trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị, hiệu quả kinh tế từ cây quế và hồi ở địa phương. Hội quế, hồi Lào Cai có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật hiện hành, với hơn 500 thành viên trong toàn tỉnh.

Thành lập Hội quế, hồi Lào Cai ảnh 2

Tại Đại hội, các đại biểu đã thông qua Điều lệ, bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn; hội viên, tổ chức hoạt động; thi đua khen thưởng… Các đại biểu tham gia Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội quế, hồi Lào Cai gồm 9 thành viên; ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai làm Chủ tịch Hội quế, hồi tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2022- 2027.