Trước đó, từ tháng đầu tháng 4, tại huyện Bảo Yên, với khoảng 22 nghìn ha, được coi là “thủ phủ” quế của tỉnh Lào Cai, xuất hiện sâu ăn lá quế, với mật độ cao. Mật độ sâu hại phổ biến trung bình 40 - 50 con/cây, cao là 100 con/cây, có nơi hơn 200 con/cây; tổng diện tích nhiễm là 81 ha, tập trung ở các xã “trọng điểm” trồng quế như Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Phúc Khánh… Sâu ăn lá quế cả ngày lẫn đêm, làm cây quế trụi hết lá, mất khả năng quang hợp, có thể chết khô hàng loạt.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên đã phối hợp kiểm lâm địa bàn, khuyến nông viên cơ sở và chính quyền các xã chỉ đạo, hướng dẫn người dân khoanh vùng, dập dịch sâu hại. Cụ thể, đối với diện tích quế bị nặng, cây còn thấp (loại 1-3 tuổi) thì phun thuốc: Actara 25WG, Bestox 5EC, Neretox 95 WP, Gà Nòi 95 SP... để trừ sâu hại; dùng bẫy đèn bắt sâu trưởng thành, xới đất diệt nhộng quanh tán cây quế; đối với diện tích quế đã lớn, cây cao thì phát dọn thực bì, chặt bỏ cành và cây bị bệnh, tỉa thưa để tạo độ thông thoáng, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Nhờ vậy, đến nay huyện Bảo Yên đã cơ bản bao vây, khống chế dịch sâu hại quế, không để lây lan ra diện rộng.
Toàn huyện Bảo Yên hiện có 22 nghìn ha quế, trong đó diện tích quế đang kỳ thu hoạch tốt (từ 8-10 tuổi) là hơn 8.600 ha, loại từ 4-8 tuổi là 9.000 ha, còn lại là loại từ 1-3 tuổi. Với giá bán các sản phẩm từ vỏ, tinh dầu, hạt làm giống, gỗ… mỗi năm nông dân Bảo Yên thu về khoảng 800 tỷ đồng. Cây quế đang là “mũi nhọn” lâm nghiệp, góp phần để nông dân Bảo Yên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Tày, Dao, H’Mông… xóa nghèo, vươn lên làm giàu trên đất dốc ở địa phương.