Thành công đâu chỉ đo đếm bằng tấm Huy chương Vàng

NDO - Trong thể thao và đặc biệt ở các kỳ Olympic, khán giả thường quan tâm tới những người chiến thắng, tới đội bóng nâng cao chiếc cúp vô địch. Song, đó không phải những giá trị duy nhất mà sân chơi danh giá nhất hành tinh hướng đến.
0:00 / 0:00
0:00
Joe Kovacs ăn mừng tấm huy chương bạc đẩy tạ Olympic Paris 2024. (Ảnh: Getty)
Joe Kovacs ăn mừng tấm huy chương bạc đẩy tạ Olympic Paris 2024. (Ảnh: Getty)

Chiến đấu để về... nhì

Thủ đô Paris bất chợt đổ cơn mưa rào ở vòng chung kết bộ môn đẩy tạ nam. Trong lúc ấy, vận động viên người Mỹ Joe Kovacs cũng cố gắng điều chỉnh hơi thở chuẩn bị cho phần thi của mình.

Trước lượt đấu của anh, ba vận động viên khác đã lần lượt trượt chân ngã. Đó là kết quả tất yếu khi những người đàn ông nặng khoảng 140kg cố gắng đẩy những quả tạ hơn 7kg đi ra xa, bất chấp thời tiết lúc này.

Với những bộ môn thi đấu ngoài trời, sự ẩm ương của thời tiết cũng là một phần tất yếu của cuộc chơi. Các vận động viên phải thích ứng nhanh nhất có thể. Vì vậy, khán giả có mặt tại sân vận động cũng được chứng kiến khung cảnh hiếm hoi, khi những người đàn ông to lớn lần lượt tiến lên để rồi thay nhau trượt chân ngã khi tiếp đất.

Khi máy quay chiếu tới Kovacs, mọi người có thể cảm nhận rõ sự căng thẳng hằn rõ trên gương mặt anh. Vận động viên này đang đứng ở vị trí thứ 4 và đã ném hỏng hai lần thử sức trước đó. Kovacs hít thở sâu rồi cố gắng thổi bay tất cả áp lực trước cơ hội cuối cùng để giành huy chương.

Kovacs lắc nhẹ đầu. Anh dùng tay phải để cố định quả tạ đằng sau gáy. Động tác xoay người được thực hiện vô cùng dứt khoát. Sau tiếng hét mạnh, quả tạ nhanh chóng vút lên không trung, xé tan màn mưa. Giây phút vận động viên nặng tới gần 140kg tiếp đất hoàn hảo, Kovacs biết anh đã thực hiện thành công bài thi của mình.

Đó là cú ném tuyệt vời. Vượt qua mọi nghi ngờ và cả cơn mưa, thành tích đo được là 22,15m. Kết quả này giúp Kovacs vươn lên vị trí thứ 2 để giành Huy chương Bạc. Và, lần thứ 3, anh đã bứt phá để có thể đứng ngay sau người đồng đội Ryan Crouser.

Thành công đâu chỉ đo đếm bằng tấm Huy chương Vàng ảnh 1
Kovacs với cú ném ngoạn mục dưới mưa. (Ảnh: Getty)

Với những khán giả không có cơ hội theo dõi bộ môn đẩy tạ, Ryan Crouser là nhà vô địch Olympic suốt 8 năm qua. Anh ấy là người đẩy tạ giỏi nhất mọi thời đại.

Còn Kovacs, anh đã giành chức vô địch thế giới hai lần vào năm 2015 và 2019. Anh đã giành được tám huy chương trong các cuộc thi quốc tế. Người duy nhất khiến anh mất đi cơ hội giành huy chương vàng tại Thế vận hội là Ryan Crouser - vận động viên đẩy tạ đầu tiên giành được ba huy chương vàng Olympic liên tiếp.

“Tất nhiên, Ryan là số 1 mọi thời đại. Tôi là số 2,” Kovacs nhấn mạnh sau lễ trao giải.

Thế nào là vinh quang?

Lắng nghe những phát biểu của Kovacs và mới đây nhất là Sam Kendricks ở bộ môn nhảy sào, ta chợt nhận ra xu hướng chung: Khán giả luôn coi chức vô địch là thước đo duy nhất của sự thành công.

Thế giới có xu hướng đuổi theo những thành tích hào nhoáng. Mọi người dễ bị gây chú ý bởi những cá nhân ồn ào. Trong thể thao, chỉ những người chiến thắng, những đội bóng nâng cao chiếc cúp vô địch mới có thể đón nhận những lễ vinh danh ngập tràn khán giả. Tiền bạc và danh vọng cũng sẽ đổ về không ngớt.

Đương nhiên, đó cũng là kết quả tất yếu của sự cạnh tranh. Trong tiến trình phát triển, con người luôn nỗ lực để tìm ra cá nhân giỏi nhất trong năm, xuyên suốt cả mùa giải, hoặc trong từng lĩnh vực riêng biệt. Đó cũng là đích đến đầy tự hào giống như cách chân chạy Julien Alfred thức dậy lúc 5 giờ sáng để viết lại vào cuốn nhật ký của mình: "Julien Alfred, Nhà vô địch Olympic".

Nhưng nếu nói rằng đó là tất cả ý nghĩa mà cuộc thi mang lại, là cái đích duy nhất mà các vận động viên hướng đến không hoàn toàn chính xác. Thế giới hơn 8 tỷ người và mỗi nội dung thi đấu có khoảng tám cá nhân hoặc đội nhóm xuất sắc nhất trụ lại tới vòng cuối cùng.

Sẽ còn lại gì, ngoài danh dự, khi bạn dốc hết sức lực, cống hiến tất cả từ tinh thần, cảm xúc và sức mạnh thể chất cho một đêm chung kết? Để về nhì và về ba? Điều thiêng liêng nhất mà chúng ta có thể cho đi sau bao nỗ lực chiến đấu của bản thân mình liệu có phải chỉ là chiếc huy chương vàng lấp lánh.

Thành công đâu chỉ đo đếm bằng tấm Huy chương Vàng ảnh 2
Sam Kendricks hạnh phúc với cú nhảy sào của bản thân. (Ảnh: The Sun)

Sam Kendricks đã nghĩ gì khi chứng kiến chàng trai trẻ Mondo Duplantis băng băng vượt qua giới hạn không tưởng. Kovacs đã gạt bỏ biết bao áp lực để chiến đấu và cạnh tranh với Ryan Crouser.

"Lần ném cuối cùng, có lẽ tôi đã chậm lại một chút, đó là điều tôi cần làm. Tôi là người xếp hạng thấp nhất trong giây phút ấy, nhưng tôi biết mình là người còn sung sức. Mưa vẫn rơi. Tôi biết rằng nếu tôi chậm lại, tôi có thể sử dụng sức mạnh của mình. Và tôi luôn hướng tới những thử thách bằng niềm tin ấy.

Tất tay một lần cuối là những gì cần làm trong thời khắc này. Bởi nếu không, tôi sẽ giận dữ hơn với bản thân khi biết mình cứ mãi quanh quẩn trong những nghĩ suy yếu đuối. Và chỉ cần tinh thần tôi lung lay ngay lúc ấy, những người khác sẽ giành lấy vinh quang của mình. Tất nhiên, tôi muốn Huy chương Vàng, nhưng tôi thực sự vui vì mình đã chiến đấu vì tấm Huy chương Bạc đó", Kovacs nhấn mạnh.

Cũng trong ngày hôm ấy, thế giới chứng kiến Sha'Carri Richardson, một trong những ngôi sao chính của Thế vận hội, về nhì. Cô bị Alfred của St. Lucia đánh bại trong trận chung kết chạy 100m nữ, để giành Huy chương Vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử của quốc gia nhỏ bé.

Khán giả cũng chứng kiến Femke Bol của Hà Lan vượt qua Kaylin Brown ở những mét cuối cùng của nội dung tiếp sức hỗn hợp 4x400m, để mang về cho đất nước của cô một tấm Huy chương Vàng ngoạn mục. Những gương mặt ấy nỗ lực hết sức và mang về tấm Huy chương Bạc trong nước mắt.

Với khán giả Việt Nam, cảm xúc cũng trào dâng khi Thu Vinh trụ vững trong Top 3 ở những loạt bắn nhanh đầu tiên. Hay Ánh Nguyệt lấy lại sự tự tin và nụ cười trong những loạt bắn cung khốc liệt. Ở mũi tên vàng, Nguyệt cũng có điểm 10 dù nhịp tim lên tới 145 nhịp/phút. Và khoảng cách mong manh chỉ 0,489cm khiến cô không thể bước tiếp trên con đường cạnh tranh huy chương.

Thành công đâu chỉ đo đếm bằng tấm Huy chương Vàng ảnh 3
Ánh Nguyệt giành điểm 10 trong loạt bắn mũi tên vàng. (Ảnh: TTXVN)

Huấn luyện viên người Mỹ Peterson đã chứng kiến biết bao học trò bật khóc trong vòng tay ông vì không thể đạt thứ hạng cao trong nhóm 8 người xuất sắc nhất thế giới. Thế nhưng, cũng chính khoảnh khắc thua cuộc ấy khiến học trò của ông tự hào: "Tôi nghĩ mình cần khoảnh khắc này để tiến về phía trước. Đây thực sự là bằng chứng cho thấy tôi có thể làm được nhiều hơn những gì mình nghĩ".

Tương lai hứa hẹn với thể thao Việt Nam

Sau loạt bắn chung kết, đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại Pháp đã nhận ra sự khó nhọc của cô gái trẻ ở hành động tưởng chừng nhỏ nhặt - tháo và đeo ba-lô lên vai. Ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Việt Nam tiết lộ đã phải trị liệu chấn thương cấp tốc cho Thu Vinh trị nhưng không thể giúp cô nhanh chóng bình phục. Phần vai của Vinh chưa thể ổn định sau quá trình tập luyện liên tục và căng thẳng với cường độ cao.

Thu Vinh đã bật khóc khi được phỏng vấn sau loạt bắn chung kết. Cô thể hiện sự tiếc nuối khi bản thân mình không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà.

Song, với kinh nghiệm vô giá ở lần đầu tham dự Thế vận hội, tài năng trẻ bắn súng đã tự tin hơn: "Lần này tôi chưa thành công, tôi càng quyết tâm để hướng tới năm 2028 sẽ có một sự chuẩn bị tốt, giành suất tham dự. Hy vọng tôi sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất cho đấu trường này".

Thành công đâu chỉ đo đếm bằng tấm Huy chương Vàng ảnh 4
Trịnh Thu Vinh đã có được trải nghiệm quý giá tại Paris. (Ảnh: TTXVN)

Nhìn nhận một cách tích cực, những cá nhân như Kovacs hay Kendricks cũng phải tìm cách vượt qua nỗi thất vọng cùng cực trong nhiều năm. Họ kiên trì đối mặt với những sai lầm, chiến đấu để xây dựng lại sự tự tin, để rồi tiếp tục chinh phục đỉnh vinh quang trong sự nghiệp.

Chúng ta không phải lúc nào cũng có được những gì mình muốn. Chỉ cần một phút lung lay Kovacs sẽ không thể mang về tấm huy chương bạc Olympic cuối cùng cho bản thân mình.

Với Thu Vinh, xạ thủ này chẳng ra về tay không mà nhận được tới hai chứng nhận dành cho những cá nhân xuất sắc nhất thế giới đã lọt vào top 8. Nền móng ấy sẽ giúp cô và những vận động viên Việt Nam khác vững tin rằng nỗ lực không ngừng nghỉ hoàn toàn có thể tạo nên thành quả khả quan hơn trong tương lai.

Như cái cách Kovacs ăn mừng cú ném ngoạn mục ở Thế vận hội, dưới cơn mưa rào ở Thủ đô Paris.