Toàn tỉnh Bình Phước hiện có hơn 5.400 liệt sĩ, hơn 3.800 thương binh, hơn 1.000 bệnh binh, hơn 1.800 người tham gia kháng chiến và con cháu bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Tỉnh cũng đã xây dựng 5 nghĩa trang, quy tập hơn 10.300 mộ liệt sĩ; trong đó, có hơn 6.000 mộ liệt sĩ có tên, còn hơn 4.300 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Trở lại thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Nên ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, thật xúc động khi mẹ đang từng ngày yếu đi vì tuổi cao. Mái tóc đã bạc trắng, đôi chân đi lại khó khăn nhưng nỗi đau bởi chiến tranh cướp mất chồng, con trai chưa thể nguôi. Kể chuyện với chúng tôi, nước mắt mẹ lại tràn đầy hai khóe, lăn dài trên gò má gầy và làn da đã nhăn nheo. Đó cũng là hoàn cảnh của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bảy (90 tuổi) ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng.
Sinh ra, lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng-huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và theo chồng về Cai Lậy (Tiền Giang) cùng hoạt động cách mạng. Chiến tranh kết thúc, mẹ Bảy không có niềm vui trọn vẹn vì chồng và con trai cả mãi mãi không trở về. Nay đã ở tuổi "xưa nay hiếm", ở cùng với con trai út, mẹ thường xuyên được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, đơn vị quan tâm, chăm sóc chu đáo.
Nhiều liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ hoặc các phần mộ được tìm thấy lại chưa xác định được danh tính cũng khiến những người còn sống không một ngày yên lòng. Ông Lê Bá Phán ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng (huyện Phú Riềng) cho biết: "Bản thân trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ nên tôi đã tìm kiếm được khá nhiều đồng đội, đưa các anh về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Vậy nhưng, đến nay người bạn cùng ra chiến trường một đợt và là anh trai của vợ tôi đã hy sinh mấy chục năm vẫn chưa tìm thấy hài cốt". Bên cạnh đó, ông Lê Bá Phán còn mang một nỗi đau khác: "nỗi đau da cam". Chiến tranh kết thúc, ông Lê Bá Phán trở về lành lặn. Tưởng là may mắn nhưng năm người con của ông lần lượt ra đời thì đến ba trong số đó mang trong mình "thảm họa chiến tranh" bởi chất độc da cam/dioxin. Ở tuổi ngoài 30, các con ông vẫn phải cậy nhờ người mẹ già chăm sóc từng chút một.
Công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành một nhiệm vụ chính trị quan trọng, một nghĩa vụ thiêng liêng. Ngày 27/7 hằng năm như một lời nhắn nhủ của non sông, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội lại về với những gia đình chính sách, người có công, nghĩa trang liệt sĩ để ghi công, tri ân, thực hiện trách nhiệm và ân tình với lớp người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nhiều năm qua, Trung đoàn 719 (Binh đoàn 16) đã tận tình phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bảy, xã Bình Minh (Bù Đăng) và thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, động viên, chia sẻ vui buồn với mẹ trong cuộc sống. Trung tá Vũ Văn Biên, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 719 cho biết: Hằng năm, đơn vị luôn chú trọng và làm tốt công tác phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã đơn vị đóng quân.
Đặc biệt, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ, Trung đoàn tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng chính sách của đơn vị và địa phương; ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần cùng địa phương chăm lo đời sống cán bộ lão thành cách mạng. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức cho lực lượng trẻ triển khai quét dọn, vệ sinh, tu sửa và thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm xã Bom Bo và Đắk Nhau.
Thời gian qua, Tập đoàn Viettel Chi nhánh Bình Phước đã đồng hành trong các chương trình nhân đạo, như: "Trái tim cho em", "Viettel vì cộng đồng", "Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng", "Vì em hiếu học", "Dâng hoa mộ liệt sĩ". Vào dịp 27/7 hằng năm, Viettel trích kinh phí dâng hương, thay hoa trên các phần mộ của 5 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh nhằm thể hiện tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa"...
Giám đốc Chi nhánh Viettel Bình Phước Vũ Tuấn Dũng cho biết: "Viettel Bình Phước luôn nhận thức sâu sắc lòng biết ơn, lòng tự hào đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Do đó, Viettel luôn thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội; đồng thời, mong muốn thế hệ trẻ các đơn vị, doanh nghiệp luôn chung tay đồng hành với chương trình "Đền ơn đáp nghĩa" để góp phần xoa dịu nỗi đau của các gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng là đơn vị đồng hành trùng tu Khu Bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng Sóc Bom Bo tại huyện Bù Đăng với kinh phí 6 tỷ đồng; Khu Di tích lịch sử Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền nam Việt Nam Tà Thiết với số tiền 20 tỷ đồng"
Những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành tỉnh Bình Phước xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng và huy động tối đa các nguồn lực cho công tác mang đầy ý nghĩa nhân văn này. Trải qua 22 giai đoạn tìm kiếm, Đội K72 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước) đã tìm kiếm và đưa hàng nghìn liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Trong đợt 2, giai đoạn 22 (mùa khô 2022-2023), với tinh thần trách nhiệm cao, cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, đến thời điểm hiện tại, Đội K72 đã tìm kiếm, cất bốc đưa 83 bộ hài cốt liệt sĩ tại Campuchia về nước.