Bầu cử Thượng viện Pháp:

Thắng lợi lịch sử của cánh tả

Phe cánh tả đối lập ở Pháp đã giành thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua. Phe cánh tả Pháp (gồm đảng Xã hội và liên minh là đảng Cộng sản và đảng Xanh) đã giành thêm 23 ghế từ phe cánh hữu, qua đó được 177 ghế, so với 171 ghế của phe cánh hữu trong tổng số 348 ghế tại Thượng viện, vượt hai ghế cần thiết để giành đa số tuyệt đối.

Ðây là lần đầu trong lịch sử của nền cộng hòa thứ năm ở Pháp (được thiết lập từ năm 1958), phe cánh tả giành quyền kiểm soát tuyệt đối tại Thượng viện.

Cuộc bầu cử Thượng viện Pháp diễn ra với sự tham dự của 71.890 đại cử tri gồm các hạ nghị sĩ, lãnh đạo (thị trưởng, cố vấn, đại biểu hội đồng...) các vùng, tỉnh và thành phố để bầu lại 170 trong tổng số 348 ghế tại Thượng viện. Ðảng Xã hội (PS) giành được 35,74% phiếu bầu; đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền chỉ được 20,32% phiếu bầu. Với kết quả này, đảng PS và liên minh cánh tả ở Pháp nắm quyền lãnh đạo ở 350 thành phố lớn (có hơn 15 nghìn dân), còn phe cánh hữu chỉ nắm quyền ở 262 thành phố. Thắng lợi của cánh tả Pháp đồng nghĩa với thất bại của phe cánh hữu do đảng UMP đứng đầu. Thất bại này còn cay đắng hơn khi UMP để mất ghế ở nhiều tỉnh, thành phố quan trọng như Thủ đô Pa-ri, Y-vơ-lin ("sân nhà" của đương kim Chủ tịch Thượng viện G.Lác-sê thuộc đảng UMP), Ô Ðờ Xen (khu vực truyền thống của cánh hữu)... Ðảng Cộng sản Pháp cũng giành thêm một số ghế ủy viên quan trọng trong hội đồng các tỉnh Ốt Ga-rôn, Ốt Pi-rê-nê, Van Ðờ Mác và A-li-ê. Thủ tướng P.Phi-ông thừa nhận thắng lợi của phe cánh tả và đà tiến mạnh mẽ của các đảng đối lập. Tuyên bố này của ông Phi-ông càng làm lộ rõ những mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền, trong bối cảnh tổng tuyển cử ở Pháp cận kề. Giới phân tích nhận định, thắng lợi này có thể là tiền đề để đảng PS và liên minh cánh tả tiếp tục giành thắng lợi ở cuộc bầu cử tổng thống và QH Pháp năm 2012.

Hơn nửa thế kỷ qua, cánh tả chưa từng thắng lợi ở Thượng viện ngay trong thời cực thịnh khi Tổng thống P.Mít-tơ-răng của đảng Xã hội (PS) nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp (giai đoạn 1981-1995). Tuy nhiên, thắng lợi này là điều đã được dự đoán trước vì sau khi Tổng thống N.Xác-cô-di đắc cử năm 2007, UMP luôn thất bại tại các kỳ bầu cử địa phương. Nhiều chính sách "mạnh tay" của chính quyền Tổng thống Xác-cô-di như xóa bỏ một số dịch vụ công cộng, siết chặt trợ cấp xã hội và hưu trí, vốn là niềm tự hào của nước Pháp, đã làm "phật lòng" không ít lãnh đạo địa phương và người dân Pháp. Sự "đổi ngôi" ở Thượng viện Pháp tuy chưa thể làm chệch hướng các kế hoạch cải cách mạnh mẽ của ông Xác-cô-di, nhưng đánh dấu sự "sụp đổ tượng trưng" của chính quyền đương nhiệm, nhất là khi các cuộc thăm dò đều cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Xác-cô-di giảm mạnh.

Dù nổi tiếng là người có bản lĩnh chính trị vững vàng và chính sách ngoại giao cứng rắn,  ông Xác-cô-di vẫn bị đánh giá là một trong những vị Tổng thống ít được ưa thích nhất ở Pháp thời hậu chiến. Cử tri Pháp bày tỏ sự thất vọng về nền kinh tế thiếu sức cạnh tranh của nước này, với tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao và cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu khiến nền tài chính công của Pa-ri ngấp nghé mức báo động. Vậy mà Pa-ri lại chấp nhận tiêu tốn nhiều tiền ngân sách trong chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi ở Bắc Phi xa xôi.

Trong QH lưỡng viện Pháp, Hạ viện vẫn được coi trọng hơn khi có quyền quyết định cuối cùng trong trường hợp Thượng viện và Hạ viện không có tiếng nói chung. Tuy nhiên, việc phe cánh tả kiểm soát Thượng viện là lời cảnh báo đối với đảng UMP và cá nhân ông Xác-cô-di khi chỉ còn bảy tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống. Chưa kể từ nay, những chính sách cải cách, dự luật, chi tiêu... của chính phủ cũng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong việc thông qua. Ðặc biệt, Thượng viện "cánh tả" sẽ không bỏ lỡ cơ hội điều tra những vụ bê bối của các quan chức thuộc đảng UMP cầm quyền. Hơn nữa, nếu lãnh đạo đảng PS tại Thượng viện G.Pi-e Ben được bầu làm Chủ tịch thay ông G.Lác-sê trong cuộc bỏ phiếu hôm nay (1-10), sẽ càng tô đậm thắng lợi của cánh tả. Vì theo Hiến pháp, Chủ tịch Thượng viện là nhân vật số hai của Nhà nước Pháp, được tạm giữ quyền điều hành đất nước trong trường hợp tổng thống qua đời, từ chức đột ngột và được quyền bổ nhiệm các vị trí trong Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Thẩm phán cấp cao...

Giới phân tích cho rằng, điều cần nhất trong lúc này là phe cánh tả Pháp không được "ngủ quên trong men say chiến thắng". Ðảng PS cần bắt tay ngay vào củng cố đoàn kết nội bộ, lựa chọn sáng suốt một ứng cử viên có uy tín, kinh nghiệm chính trị và xây dựng một cương lĩnh tranh cử sắc bén, để ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012. Chỉ khi giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống và QH vào năm tới, đảng PS và phe cánh tả Pháp mới thật sự thoát khỏi vị thế đối lập, để chính thức đóng vai trò lãnh đạo đất nước hình lục lăng.

Có thể bạn quan tâm