Đầu năm 1965, sau những thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” buộc đế quốc Mỹ phải đổ quân vào trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền nam. Sau hơn hai năm đối đầu với đội quân thiện chiến và hiện đại, quân và dân Việt Nam đã tìm ra cách đánh thắng Mỹ, từng bước nắm quyền chủ động chiến lược; đẩy quân Mỹ từ phản công và tiến công lùi dần vào phòng ngự bị động, mở ra thời cơ thuận lợi lớn cho cách mạng miền nam.
Tuy vậy, tương quan chiến trường vẫn nghiêng hẳn về phía địch, Mỹ-ngụy có gần 1,2 triệu quân chủ lực, trong đó có sự hiện diện của 40% số sư đoàn chiến đấu lục quân, 50% số sư đoàn lính thủy đánh bộ, 50% số máy bay chiến đấu, 30% số tàu chiến của quân đội Mỹ. Trong khi quân số của ta chỉ có 270.000 bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương.
Phân tích tình hình, Bộ Chính trị nhận định “Mỹ còn rất ngoan cố… đang cố gắng tăng cường lực lượng để giữ tình hình không xấu đi”(1). Tình thế đó đòi hỏi cách mạng miền nam phải tận dụng thời cơ, giáng một đòn quân sự thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra một bước ngoặt căn bản để buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, so sánh tương quan lực lượng, tháng 10/1967, Bộ Chính trị đi đến quyết định: “Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam”(2), nhằm “Làm thay đổi tình hình, thay đổi cục diện, chuyển biến chiến lược”(3).
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 1/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 14 (khóa III) quyết định: “Tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định,... đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc,... tiến tới thống nhất nước nhà”(4).
Đây là quyết định sáng suốt của Đảng, bởi sau gần ba năm đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường, Mỹ đã không đạt được những mục tiêu cơ bản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trong khi lực lượng dự bị đã sử dụng hết, thậm chí phải huy động một phần lực lượng chiến lược toàn cầu, gánh nặng chiến tranh xâm lược Việt Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và xã hội nước Mỹ.
1968 là năm bầu cử tổng thống thứ 37, nước Mỹ sẽ rất “nhạy cảm” về chính trị; thắng lợi về quân sự vào thời điểm này có thể tạo ra hiệu ứng lớn, tác động trực tiếp đến chính trường nước Mỹ. Do đó, Đảng ta chủ trương thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền nam, giành lấy thắng lợi để chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định.
Thực hiện chủ trương của Đảng, đúng vào Tết Mậu Thân 1968, trên toàn chiến trường miền nam, quân và dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy, đánh vào bốn thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn; đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của địch, bao gồm cả bốn bộ tư lệnh quân khu-quân đoàn, tám bộ tư lệnh sư đoàn, hai bộ tư lệnh biệt khu ngụy, hai bộ tư lệnh dã chiến, 30 sân bay, nhiều tổng kho lớn,... diệt và làm tan rã 150.000 tên địch, trong đó có 40.000 quân Mỹ, phá hủy khoảng 1/3 vật tư chiến tranh của Mỹ-ngụy, phá 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1 triệu dân(5).
Thắng lợi oanh liệt của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm cho ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị lung lay, buộc phải xuống thang chiến tranh. Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson phải tuyên bố: ngừng ném bom đánh phá miền bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và không ra tranh cử nhiệm kỳ hai.
Thắng lợi đó là kết quả của chủ trương cực kỳ táo bạo và sáng suốt của Đảng, quyết tâm cao độ của quân và dân ta, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất non sông.
Đánh giá về thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng”(6), là mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần hy sinh cao cả, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam; thể hiện tinh thần chủ động, quyết đoán trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng, để lại những bài học sâu sắc về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, về phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, về nghệ thuật chớp thời cơ và vận dụng thời cơ,... cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(1) Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị (10/1967) bàn về kế hoạch chiến lược mùa Thu. Tổng công kích-tổng khởi nghĩa Đông-Xuân-Hè 1967-1968, (Nguồn Bộ Quốc phòng-Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, Hà Nội, 2008, tr.121.
(2) Bộ Quốc phòng-Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, Hà Nội, 2008, tr.114.
(3) Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị (10/1967) bàn về kế hoạch chiến lược mùa Thu. Tổng công kích-tổng khởi nghĩa Đông-Xuân-Hè 1967-1968, (Nguồn Bộ Quốc phòng-Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, Hà Nội, 2008, tr.121.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, 1968, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.51.
(5) Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, Hà Nội 2015, tr.81.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.512.