Ngành công nghiệp tỷ USD
Thần tượng ảo (Virtual idol) là những ngôi sao được tạo ra từ công nghệ trí tuệ nhân tạo Al với ngoại hình, tính cách và hoạt động mô phỏng giống con người. Công nghệ càng phát triển, những "ngôi sao trên mạng" này càng giống con người hơn. Không ít trong số đó còn gây sốt bởi ngoại hình quá xinh đẹp và gương mặt hoàn hảo không tì vết.
Việc tạo ra các thần tượng ảo vốn không xa lạ với âm nhạc các nước phát triển, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc. Thậm chí, thần tượng ảo còn được coi là ngành công nghiệp tỷ USD với những con số thống kê khổng lồ về doanh thu.
Tại Trung Quốc, năm 2021, chỉ sau 9 năm thế hệ thần tượng ảo đầu tiên xuất hiện, ngành công nghiệp này đã mang về giá trị ước tính lên tới hơn 6 tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 1 tỷ USD. Theo báo Financial Times, ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp 7 lần, từ 870 triệu USD vào năm 2021 lên khoảng 6,7 tỷ USD vào năm 2025. Luo Tianyi (Lạc Thiên Y) ra mắt năm 2012 được xem là một trong những ca sĩ ảo thành công nhất thị trường.
Thần tượng ảo còn được coi là ngành công nghiệp tỷ USD với những con số thống kê khổng lồ về doanh thu.
Cô được phủ sóng khắp nơi, xuất hiện cả trên các chương trình truyền hình, nhận được không ít các hợp đồng quảng cáo. Năm 2019, cô là ca sĩ ảo đầu tiên kết hợp với nghệ sĩ thật trong concert của Lang Lang - một nghệ sĩ piano được tạp chí Times bình chọn trong top 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Nhật Bản cũng là một thị trường ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp thần tượng ảo. Theo Insider, tại Nhật Bản, mỗi ngôi sao ảo hạng A trên YouTube hay còn gọi là v-tuber (virtual YouTuber) có thể đem về hàng triệu USD từ hoạt động livestream hoặc bán hàng. Năm 2017, "làn sóng Miku" xuất hiện và nhanh chóng trở thành một hiện tượng không tưởng. Chỉ sau 4 tháng ra đời, tháng 12/2007, theo thông báo của Amazon, Miku đạt doanh thu hơn 57 triệu Yên.
Sau 7 năm ra mắt, sức "nóng" của Hatsune Miku đã lan tỏa toàn cầu và là tên tuổi nổi tiếng nhất trong số các thần tượng ảo của Nhật Bản. Miku không chỉ biểu diễn trên mạng mà còn được mời trình diễn thực tế tại tour The ARTPOP Ball của Lady Gaga và được cô ca sĩ nổi tiếng thế giới này rất yêu thích.
Năm 2011, buổi hòa nhạc quốc tế đầu tiên của Hatsune Miku được tổ chức tại Nhà hát Nokia, Los Angeles, Mỹ, thuộc khuôn khổ Anime Expo 2011. Vé show được bán hết sạch trong vòng 2 tuần với 5.000 chỗ ngồi được lấp đầy (trong đó có không ít ghế được bổ sung thêm).
Sở dĩ mô hình thần tượng ảo ngày càng phổ biến và có sức hấp dẫn lớn là bởi với một thần tượng ảo, đơn vị quản lý không cần lo lắng về những tai tiếng liên quan cuộc sống đời tư. Mặt khác, thần tượng ảo có thể trình diễn liên tục mà không bị ảnh hưởng về sức khỏe, tuổi tác, kỹ năng và không bao giờ mất đi.
Thậm chí, ở Hàn Quốc hoặc Nhật, khán giả coi các ca sĩ ảo như các nhân vật hoạt hình và họ có cộng đồng hâm mộ riêng. Thậm chí, thị trường ca sĩ ảo trên thế giới cũng được đánh giá là “có tiềm năng” không kém gì thị trường trò chơi điện tử trực tuyến (game online).
Lục Thiên Y - thần tượng ảo nổi tiếng nhất Trung Quốc. (Ảnh: internet) |
Cần thời gian để "đo" hiệu quả
Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp "thần tượng ảo" mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho khán giả, nhất là khán giả trẻ. Nhưng mặt khác, mô hình thần tượng ảo lại khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả cũng như những cảm xúc chân thực mà các "ngôi sao" này có thể mang lại cho khán giả. Một số chuyên gia cho rằng, dù có giống người thật đến mấy thì những thần tượng ảo vẫn không phải là con người, không tồn tại thực sự.
Hơn nữa, thần tượng ảo không có cảm xúc thì cũng khó tạo cho công chúng những cảm xúc chân thực. Những người này tin vào nghệ sĩ thực thụ hơn, bất kể việc nghệ sĩ ngoài đời thực có thể có scandal hay cảm xúc tiêu cực.
Bên cạnh tranh cãi về độ chân thực, sự phát triển của thần tượng ảo còn chứa đựng một số rủi ro khác như: bị lợi dụng cho những video khiêu dâm. Mặt khác, trong một số trường hợp, việc tạo ra thần tượng ảo dựa trên danh tính của người thật như trường hợp của nhóm nhạc Aespa cũng đặt ra vấn đề về bản quyền và pháp lý.
Tại Việt Nam, mô hình thần tượng ảo còn khá mới mẻ. Sự ra mắt của ca sĩ ảo Ann gần đây với giọng ca không quá xuất sắc nhưng cũng được đánh giá khá tròn vành, rõ chữ. Không ít người còn cho rằng, giọng ca của Ann sẽ khiến một bộ phận khán giả trẻ yêu thích. Công bằng hơn, nếu không xem MV "Làm sao nói thương anh" không phải ai cũng đoán được đây là giọng ca được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Nghệ thuật sau cùng là chạm đến cảm xúc của người nghe, người xem. Một thần tượng với gương mặt xinh đẹp nhưng đơ cứng với các cách thức biểu diễn được lập trình sẵn có làm được điều đó?
Tuy nhiên, tính chân thực vẫn là băn khoăn lớn nhất khi thực tế giọng hát của Ann chưa "chạm" đến cảm xúc của người nghe. Mặc dù chất giọng của Ann đã được chú ý xử lý thêm các âm thanh sống động, giúp tạo cảm giác như ca sĩ thật nhưng bản chất, Ann vẫn là một ca sĩ ảo.
Đành rằng sự ra đời và thịnh hành (tạm thời) của mô hình này phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ và xu hướng của thế giới cũng như một bộ phận khán giả. Nhưng sự quá hoàn hảo của một thần tượng ảo cũng đặt ra nghi ngại rằng, liệu có quá nhàm chán khi một thần tượng ảo cứ mãi như vậy, không tì vết, không cảm xúc.
Và xét cho cùng, thần tượng ảo vẫn là những nhân vật do con người tạo ra, được điều khiển bởi con người nên chúng hoàn toàn có thể có sai sót và nguy cơ bị "tha hóa".
Hơn nữa, nghệ thuật sau cùng là chạm đến cảm xúc của người nghe, người xem. Một thần tượng với gương mặt xinh đẹp nhưng đơ cứng với các cách thức biểu diễn được lập trình sẵn có làm được điều đó? Mô hình thần tượng ảo hiệu quả đến đâu, thời gian sẽ là câu trả lời bởi nó sẽ tự rơi vào thoái trào nếu không mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống.