Theo đề án, quy mô thực hiện các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố là 930ha với 22 tuyến đường. Từ nay đến năm 2023, phố đi bộ sẽ tổ chức ở vòng xoay Công trường Quốc tế; đường Phạm Ngọc Thạch; Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Du); đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang); đường Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Lợi); các đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu.
Các tuyến đường nêu trên cấm xe chạy khi tổ chức phố đi bộ. Giai đoạn này thành phố sẽ hạn chế xe để ưu tiên người đi bộ trên các đường Nguyễn An Ninh và Lưu Văn Lang.
Giai đoạn 2 (2023-2024), thành phố mở rộng phạm vi phố đi bộ ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng); Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi); Công trường Lam Sơn (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng); đường Nguyễn Thiệp (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi); đường Mạc Thị Bưởi (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi); đường Ngô Đức Kế (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi).
Đồng thời, thành phố ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại đối với các tuyến đường Đông Du (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng); Mạc Thị Bưởi (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng); Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (từ đường Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh); Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ đường Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh).
Đến năm 2025, trung tâm thành phố sẽ có thêm phố đi bộ ở đường Hàm Nghi (từ đường Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đường Tôn Thất Đạm (từ đường Hàm Nghi đến đường Huỳnh Thúc Kháng) và các đường Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ hạn chế xe và ưu tiên người đi bộ.
Theo ngành giao thông vận tải thành phố, việc mở rộng các phố đi bộ giúp giảm xe cá nhân vào nội đô, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm, nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa... Để tổ chức 22 tuyến đường thành phố đi bộ, đề án nêu các giải pháp: Cải tạo nút giao, vỉa hè; điều chỉnh giao thông, tăng kết nối giao thông công cộng; tổ chức sự kiện thu hút người dân, du khách...
Sở Giao thông vận tải thành phố đề xuất ba phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ.
Phương án 1 sẽ thành lập mạng lưới phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho Quận 1 với mạng lưới nhiều tuyến đường ở trung tâm nhưng chỉ cấm xe trên một số tuyến đường.
Phương án 2, phố đi bộ ưu tiên cho các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách với mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần và cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên hai tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần.
Phương án 3, phố đi bộ hoạt động 24/7 trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi và các tuyến đường liên kết dành riêng cho người đi bộ.
Theo các chuyên gia đô thị, muốn các tuyến phố đi bộ phát huy hiệu quả thì cần xây dựng các bãi giữ xe, mở rộng đa dạng hơn nữa loại hình xe công cộng để giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hầu hết dự án bãi đậu xe khu vực trung tâm hiện nay chưa thực hiện được. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng nên cân nhắc khi đồng loạt mở rộng các tuyến phố đi bộ.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Quản lý kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài không gian phố đi bộ mà đề án đã nêu, cũng cần thêm việc kết nối, mở mới phố đi bộ ở khu vực ven kênh, ven sông để kết hợp thêm không gian trên bờ là phố đi bộ, dưới là sông nước; chú trọng tạo mảng xanh và thiết kế không gian, tiện ích một cách chất lượng.
Theo luật sư Hoàng Thu, Giám đốc Công ty Luật TNHH một thành viên Hoàng Thu, việc mở rộng các tuyến phố đi bộ khu trung tâm thành phố là cần thiết và triển khai sớm để vừa có không gian sinh hoạt, vui chơi cho người dân, đồng thời thành phố có thể phát triển kinh tế đêm. Việc mở rộng các tuyến phố đi bộ phải hướng tới mục tiêu lâu dài là giảm lượng xe ô-tô đi vào khu trung tâm, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân, đồng thời góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ ở khu vực trung tâm thành phố.