Bình luận quốc tế

Tham vọng tự chủ năng lượng của EU

EU đang nỗ lực giảm mức tiêu thụ điện, tìm nguồn cung dầu khí mới và đầu tư hàng trăm tỷ euro để mở ra các lối thoát, giúp “lục địa già” thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Báo chí châu Âu vừa cho biết, để chống chọi tốt hơn với sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung khí đốt từ Nga, “đại gia đình EU” đang triển khai một cuộc chiến nhằm tự chủ năng lượng. Trong đó, tiết kiệm năng lượng là ưu tiên trước mắt. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố, việc định hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho những cơ quan công quyền là “chìa khóa” để EU giảm lượng tiêu thụ khí đốt, vì các cơ quan này chiếm một lượng tiêu thụ khí đốt đáng kể, tương đương 30% tổng năng lượng tiêu thụ.

Đề xuất tiết kiệm năng lượng của EC sẽ được các bộ trưởng năng lượng của EU thảo luận tại một cuộc họp ở Brussels (Bỉ) vào ngày 26/7 tới, trong đó khuyến nghị việc áp dụng các quy tắc yêu cầu các tòa nhà công cộng chỉ được sưởi ấm không quá 190C và làm mát bằng các máy điều hòa không khí không được thấp hơn 250C. Khuyến nghị này là một phần trong một loạt biện pháp mà EU đang tìm hiểu nhằm cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt của mình từ 25 đến 60 tỷ m3 mỗi năm.

Trong khi đó, tờ Financial Times vừa cho biết, dự án chuyển tiếp năng lượng tăng tốc do EC soạn thảo đã xác định, đến năm 2030, EU sẽ cần giảm tiêu thụ năng lượng 13% thay vì 9% theo kế hoạch. Điều này được cho là sẽ được thực hiện bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Cùng với chủ trương tiết kiệm, EU đang chủ động gia tăng các nguồn cung năng lượng mới thông qua các dự án, kế hoạch thoát khỏi phụ thuộc vào năng lượng của Nga, trị giá hàng trăm tỷ USD.

Dự án chuyển tiếp năng lượng của EC sẽ chi 195 tỷ euro trong 5 năm tới. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của kế hoạch nêu trên là tăng gấp đôi sản lượng năng lượng từ các nguồn tái tạo, nâng tỷ trọng tiêu thụ của châu Âu từ 22% năm 2020 lên 45% vào năm 2030 so với mục tiêu được đề xuất trước đó là 40%. Bên cạnh đó, EU sẽ tập trung vào hydro xanh, mà lượng tiêu thụ ở EU năm 2030 có thể đạt 20 triệu tấn. Một nửa khối lượng này sẽ được nhập khẩu.

Trước khi công bố kế hoạch “thoát Nga” về năng lượng nêu trên, EC hôm 15/7 đã cấp phép cho dự án sản xuất năng lượng hydro trị giá khoảng 5,4 tỷ euro, do 15 nước thành viên EU và 35 công ty cùng tài trợ. Dự án nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh và kinh tế của EU được kỳ vọng sẽ thu hút thêm các khoản đầu tư tư nhân trị giá 8,8 tỷ euro. Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager (M.Ve-sta-gơ) cho rằng năng lượng hydro có tiềm năng phát triển lớn, có vai trò trong đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh.

Cùng với các nỗ lực nêu trên, các nước EU cũng đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để giảm khó khăn trước mắt. Các quan chức của EU và Namibia mới đây cho biết, EU sẽ ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Namibia về hydro và khoáng sản tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Ai Cập vào tháng 11 tới. Hiện nay Đức - nền kinh tế số một của EU - đã nhất trí đầu tư 40 triệu euro vào lĩnh vực hydro xanh của Namibia và các công ty của Bỉ cũng như Hà Lan đang hoạt động ở Namibia trong lĩnh vực này. Tháng trước, EU đã ký MOU với Israel và Ai Cập về nhập khẩu khí tự nhiên, một phần trong nỗ lực nhằm tìm các nhà cung cấp mới để giảm sự phụ thuộc vào dầu khí và than đá của Nga.

Sau khi nổ ra cuộc chiến Nga-Ukraine, các nước EU đã đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng nghiêm trọng tác động tiêu cực đến nền kinh tế của toàn khu vực. Việc giảm, thậm chí là cắt đứt nguồn cung năng lượng truyền thống từ Nga, đã đặt lục địa già vào một “cuộc chiến tự chủ năng lượng” vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội. Nếu thực hiện thành công dự án chuyển tiếp năng lượng nhanh trị giá hàng trăm tỷ euro nêu trên, EU sẽ đạt được mục tiêu tham vọng là giảm phụ thuộc và tiến tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, mở đường chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch cho các ngành công nghệ tiêu hao nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, khi giảm phụ thuộc Nga về năng lượng, EU cũng sẽ có vị thế quốc tế mạnh mẽ hơn so với giai đoạn khó khăn hiện nay.