Thắm tô tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cu-ba

LTS - Nhân dịp Việt Nam và Cu-ba kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (2-12-1960 - 2-12-2020), Ðại sứ Cu-ba tại Việt Nam Li-a-nít Tô-rết Ri-vê-ra (trong ảnh) đã trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân về sự phát triển của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, thủy chung trong sáng, mẫu mực, hiếm có trong quan hệ quốc tế và triển vọng hợp tác thời gian tới trong nhiều lĩnh vực giữa hai quốc gia. Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.

Thắm tô tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cu-ba

Phóng viên (PV): 60 năm đã trôi qua kể từ khi Việt Nam và Cu-ba thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn lại chặng đường đã qua, Ðại sứ đánh giá thế nào về tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân hai nước, những điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam - Cu-ba?

Ðại sứ Li-a-nít Tô-rết Ri-vê-ra: Tình đoàn kết anh em giữa Việt Nam và Cu-ba trong suốt 60 năm qua đã trở thành một hình mẫu trong quan hệ quốc tế. Tình anh em đặc biệt đó được hun đúc trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cu-ba là quốc gia đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với miền nam Việt Nam, là nước đầu tiên tại khu vực Mỹ la-tinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cũng là quốc gia đầu tiên ở Tây bán cầu tiếp nhận sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của mình.

Mối quan hệ giữa Cu-ba và Việt Nam được định hình bởi dấu ấn lịch sử của các nhà lãnh đạo hai quốc gia. Lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô và Chủ tịch Hồ Chí Minh là những người đặt nền móng cho tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Vị Tổng Tư lệnh mãi ghi dấu trong lòng người dân Việt Nam với lời cam kết nhân dân Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình vì Việt Nam. Phi-đen Ca-xtơ-rô cũng là chính khách đầu tiên đến vùng giải phóng miền nam vào năm 1973, khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chiến tranh, để phất cao ngọn cờ của Mặt trận Giải phóng, cùng thông điệp ủng hộ những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc. Bác Hồ kính yêu cũng chỉ rõ bản chất sâu sắc của mối quan hệ song phương và khẳng định, người dân Việt Nam và Cu-ba khăng khít như anh em một nhà, cùng nhau chăm chút, vun đắp cho lý tưởng chung.

Sự hợp tác giữa Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước ngày càng được củng cố thông qua các cơ chế trao đổi thể chế có hệ thống, đến nay đã bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, từ tổ chức chính trị của Ðảng và Thanh niên cộng sản, Quốc hội, các cơ quan tư pháp, quốc phòng, các thể chế đoàn kết, phụ nữ và các đoàn thể, các tổ chức và cơ quan truyền thông báo chí, các tổ chức giáo dục. Nổi bật trong số đó là những chuyến thăm ở tất cả các cấp. Chuyến thăm Cu-ba vào tháng 3-2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt nền móng cho sự phát triển ngày càng bền chặt của quan hệ song phương, với hơn 20 hiệp định được ký kết. Phái đoàn do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cu-ba Xan-va-đô Van-đết Mê-xa làm trưởng đoàn đã đến thăm Việt Nam và tham dự ​​lễ khánh thành công viên mang tên lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô tại Quảng Trị. Sau đó, Chủ tịch Cu-ba Mi-ghên Ði-át Ca-nên đã đến thăm Việt Nam tháng 11-2018 và ký hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, sự tương đồng của hệ thống chính trị và nỗ lực chung xây dựng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc thù mỗi nước, Việt Nam và Cu-ba tăng cường trao đổi kinh nghiệm nhằm đóng góp vào công cuộc đổi mới của Việt Nam và quá trình cập nhật mô hình kinh tế và xã hội Cu-ba. Tình bạn đặc biệt gắn kết giữa hai quốc gia được sinh ra trong gian khó. Việt Nam luôn thân thiện và chân thành giúp đỡ Cu-ba trong những thời khắc khó khăn nhất. Ðiều này càng thể hiện rõ qua bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã gửi viện trợ tài chính, thực phẩm và thiết bị y tế dành cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 đến La Ha-ba-na.

Trong thông điệp gửi Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 75 Ðại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi bãi bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, gây ảnh hưởng đời sống nhân dân, nhất là lệnh phong tỏa áp đặt đối với Cu-ba gần 60 năm trước. Trong bối cảnh Việt Nam vừa đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, việc Cu-ba được thông qua gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Ðông - Nam Á (TAC) của khu vực là một bước tiến giúp củng cố mối quan hệ hợp tác của quốc đảo Mỹ la-tinh với các quốc gia Ðông - Nam Á.

PV: Cu-ba và Việt Nam duy trì hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực và đã thu được những thành tựu tốt đẹp. Ðại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tương lai, nhất là trong những lĩnh vực thế mạnh của hai quốc gia, như nông nghiệp, xây dựng, y tế…?

Ðại sứ Li-a-nít Tô-rết Ri-vê-ra: Hợp tác song phương hiện nay phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y dược, công nghệ sinh học và xây dựng, khoa học, công nghệ, văn hóa và giáo dục... Hằng năm, Cu-ba trao nhiều học bổng chuyên ngành cho sinh viên Việt Nam, trong khi thanh niên Cu-ba được cấp học bổng sang học tiếng và văn hóa Việt Nam tại Ðại học Quốc gia Hà Nội (trước đây là Trường đại học Tổng hợp Hà Nội). Trong khuôn khổ trao đổi kinh nghiệm chung về đối phó dịch Covid-19, Cu-ba đã chuyển giao cho Việt Nam kinh nghiệm chữa bệnh và một số lượng lớn thuốc, công nghệ sinh học để điều trị tại các tỉnh miền trung. Y dược là một trong những lĩnh vực hứa hẹn để tăng cường hợp tác và trao đổi thương mại, dựa trên uy tín đã được công nhận của Cu-ba trong lĩnh vực này. Sự hỗ trợ của Việt Nam, thông qua các dự án nông nghiệp cho sản xuất lúa gạo và cà-phê ở Cu-ba, có ý nghĩa rất quan trọng với quốc đảo Mỹ la-tinh.

Việt Nam và Cu-ba đang nỗ lực thúc đẩy thương mại và bảo đảm sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án đầu tư tại Cu-ba. Trong chuyến thăm Cu-ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3-2018, Cu-ba ủng hộ các công ty Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của Cu-ba, khi chính sách Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội của Cu-ba đang được thực hiện. Hiện các công ty Việt Nam đã có mặt tại Ðặc khu phát triển Ma-ri-ên, cùng liên kết sản xuất vật liệu xây dựng và nhu yếu phẩm. Năm 2018, Công ty TNHH Vimariel đã được khánh thành tại khu vực đó và trở thành nhà nhượng quyền đầu tiên của Việt Nam trên lãnh thổ Cu-ba. Mong muốn của Chính phủ Cu-ba là không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm tối ưu hóa vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có việc hình thành "cơ chế một cửa" cho đầu tư nước ngoài. Chúng tôi hy vọng, những chuyển đổi này sẽ thu hút thêm các công ty Việt Nam trong sự phát triển kinh tế quốc gia. Gần đây, hai nghị định về thế chấp và bảo lãnh thương mại đã được thông qua tại Cu-ba cũng sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty Việt Nam. Mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại là một ưu tiên trong chương trình nghị sự song phương và là nhiệm vụ được lãnh đạo hai nước đề ra.

Tình cảm anh em đặc biệt, tin cậy lẫn nhau là một trong những di sản quý báu nhất xuyên suốt chặng đường 60 năm qua, Việt Nam và Cu-ba sẽ tiếp tục sát cánh trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời mang lại cho thế hệ trẻ những di sản truyền thống mẫu mực của tình bạn mà chúng ta luôn trân trọng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ðại sứ!

HUY VŨ (thực hiện)