Phóng viên: Là tỉnh có nguy cơ cao trước đại dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan, nhưng đến nay Thái Nguyên vẫn là tỉnh an toàn. Đề nghị đồng chí cho biết, quan điểm chỉ đạo, biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Để giữ được Thái Nguyên là "vùng xanh" đến thời điểm này, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết.
Triển khai quan điểm này, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch; lực lượng Công an tăng cường nắm tình hình công dân từ vùng có dịch về, đến Thái Nguyên để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Tỉnh cũng duy trì 107 chốt liên ngành kiểm dịch Covid-19 tại các cửa ngõ vào tỉnh với tổng số 1.677 người tham gia ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập, 2.392 Tổ Covid-19 cộng đồng với 17.793 người tại xóm, bản, tổ phố phối hợp chặt chẽ với Đội phản ứng nhanh các cấp kiểm soát, rà soát, truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm sàng lọc kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19; triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Phóng viên: Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng Thái Nguyên là điểm sáng về chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Kết quả đó là gì thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả”, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp nên đến nay Thái Nguyên vẫn cơ bản an toàn trước đại dịch, kinh tế - xã hội tăng trưởng khá.
Cụ thể, tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, trên địa bàn có 14 ca mắc Covid-19 và đều được khống chế kịp thời, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Tính đến nay, đã gần một tháng qua không có ca nhiễm mới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,5%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,49%, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 18,66 tỷ USD, tăng 5,77%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 10.206,4 tỷ đồng, tăng 15,7%( bằng 65,4% dự toán năm), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 560 doanh nghiệp( tăng 83 doanh nghiệp so với cùng kỳ), đưa tổng số trên địa bàn tỉnh là 7.785 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt trên 109 nghìn tỷ đồng; 169 dự án FDI với số vốn đạt trên 8,7 tỷ USD.
Từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát đến nay, tỉnh Thái Nguyên điều động, chi viện 1.245 cán bộ y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam, Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch Covid-19; hỗ trợ người Thái Nguyên đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội với mức 2 triệu đồng/người.
Sự hỗ trợ này được triển khai bằng hình thức trực tuyến nên quá trình hỗ trợ diễn ra nhanh gọn, toàn bộ người dân Thái Nguyên ở các địa phương phía nam có hồ sơ hợp lệ được tỉnh hỗ trợ kịp thời với tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng, giúp giảm bớt khó khăn.
Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm bước đầu về phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Thái Nguyên?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Thực tế phòng, chống dịch ở địa phương, đến nay, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:
Bám sát các chủ trương chỉ đạo của cấp trên, kịp thời triển khai tới các đối tượng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm khắc, đảm bảo sức răn đe đối với các vi phạm.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phòng, chống dịch, coi đây là chìa khóa, là khâu đột phá. Tuyên truyền người dân tích cực kê khai y tế trực tuyến, cài đặt Bluezone, ứng dụng C-ThaiNguyen. Lắp đặt camera tại các khu cách ly, các chốt ra vào tỉnh và kết nối trực tuyến trên ứng dụng C-ThaiNguyen để mọi người cùng theo dõi, giám sát, xử lý.
Bố trí đủ kinh phí phục vụ các khoản chi cho phòng dịch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định theo phương châm “Phòng dịch hơn chống dịch”, “Chi một đồng cho phòng dịch phải hiệu quả bằng chi 1.000 đồng cho chống dịch”.
Phóng viên: Đồng chí nhận định như thế nào về diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian tới và biện pháp đối phó của địa phương?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Thái Nguyên đã có 14 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, trường đại học với lưu lượng người lao động, học sinh, sinh viên đến làm việc và học tập đông, chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh đến làm việc tại tỉnh khá lớn nên Thái Nguyên vẫn là tỉnh có nguy cơ cao đối với dịch Covid-19.
Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ráo riết chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp phòng dịch, đặc biệt sẵn sàng các điều kiện đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”.
Để dự phòng và sẵn sàng đáp ứng phòng, chống dịch và điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, chúng tôi đã ban hành các kế hoạch về Đáp ứng cấp độ 5 trong phòng, chống dịch, về Phân tầng thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các Chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ người từ vùng dịch, người từ các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Phát huy mạnh mẽ vai trò Tổ Covid cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng và yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế những người đi từ vùng dịch về để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Thực hiện nghiêm việc đánh giá nguy cơ theo quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19”; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu, nhiệm vụ.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, tỉnh có giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xuất khẩu đến hết năm 2021?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Chúng tôi xác định việc phòng, chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ quan trọng quyết định việc tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế; kết hợp tốt, hài hòa giữa phòng, chống dịch với an toàn trong sản xuất, kinh doanh.
Muốn vậy, phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng; đồng thời các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốtphòng, chống dịch trong cơ sở sản xuất, xây dựng phương án sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa các ca/kíp hoặc phân xưởng để nếu có ca bệnh thì kiểm soát được lây lan, doanh nghiệp vẫn không phải dừng hoạt động.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!