Giữa tháng 4/2023, Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình tổ chức Ngày hội việc làm, khởi nghiệp năm 2023 với sự tham gia của hơn 700 học sinh trung học phổ thông, người lao động và cơ sở giáo dục nghề cùng hơn 20 doanh nghiệp.
Định hướng, đào tạo nghề theo nhu cầu
Tại đây, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên đã tư vấn chính sách pháp luật về lao động, việc làm; cung cấp thông tin thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Ðây chỉ là một trong hàng chục hoạt động về định hướng, giáo dục nghề nghiệp, tuyển dụng lao động mà huyện Phú Bình tổ chức trong năm. Hằng năm, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng tổ chức các hoạt động tương tự để nguồn nhân lực chuẩn bị bước vào thị trường lao động có định hướng nghề nghiệp phù hợp, vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, vừa tránh tình trạng thất nghiệp. Tuần cao điểm kết nối cung-cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023, diễn ra từ ngày 10 đến 17/4 với 17 hoạt động, gồm hội thảo, hội nghị tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; các phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh, huyện, xã được tổ chức tại 23 điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh đã giúp gần 100 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 4.000 lao động.
Ðể nắm chắc thực trạng nguồn nhân lực, năm 2022, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành thu thập, tổng hợp, cập nhật dữ liệu của hơn 656 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh; đồng thời thăm dò, đánh giá xu hướng sử dụng lao động của 5.000 doanh nghiệp, triển vọng thu hút đầu tư để nắm bắt nhu cầu lao động của doanh nghiệp để có hướng đào tạo, cung ứng. Riêng năm 2022, tỉnh tổ chức 137 hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung-cầu lao động, qua đó có hàng chục nghìn lao động tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa và gần 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trên địa bàn tỉnh có 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm tuyển sinh và đào tạo nghề cho 40 nghìn lao động, đến nay tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 72%, 94% số lao động đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ số đào tạo lao động trong bảng xếp hạng PCI của tỉnh Thái Nguyên luôn đứng top đầu cả nước.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: Năm 2023, chúng tôi tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dụng nghề nghiệp, giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người học và đơn vị sử dụng lao động; thực hiện hiệu quả các hoạt động kết nối giữa Nhà nước-nhà trường-nhà doanh nghiệp để đào tạo nghề cho 40 nghìn người nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Kết nối cung-cầu lao động
Chị Tô Thị Thúy ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai học xong khóa nghề may công nghiệp do Hội Phụ nữ xã tổ chức, tham gia Ngày hội việc làm tại huyện, được nhận vào làm công nhân chi nhánh May TNG Võ Nhai với mức lương gần bảy triệu đồng/tháng. Chị Thúy tâm sự: Ðược đào tạo nghề, huấn luyện kỹ năng, kỷ luật lao động, qua kết nối cung-cầu lao động, tôi được giới thiệu làm đúng nghề được đào tạo, công việc, thu nhập ổn định nên đời sống gia đình được cải thiện rõ rệt.
Võ Nhai là huyện vùng cao, có gần 53 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó hơn 45 nghìn người tham gia các hoạt động kinh tế trên địa bàn, đến nay có gần 40% đã qua đào tạo nghề được cấp văn bằng, chứng chỉ. Theo Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mông Thị Tuyết Nhung, với số lao động đã được đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ, huyện sẽ thực hiện nhiều ngày hội việc làm để kết nối cung-cầu lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm được lao động phù hợp, người lao động có việc làm ổn định.
Thái Nguyên đang trên đà phát triển, đến nay đã thu hút 10,5 tỷ USD vốn FDI, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai thêm sáu khu công nghiệp, hàng chục cụm công nghiệp với nhu cầu lao động rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2022, trên địa bàn tỉnh cần hơn 29 nghìn lao động. Nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có quy mô lớn cả về số lao động, diện tích đất sử dụng, vốn đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đầu tư chế biến-chế tạo, khu du lịch sinh thái, hạ tầng khu công nghiệp, đường giao thông, khu đô thị, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương ngày càng tăng... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến chia sẻ: Tỉnh và Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) đã ký Bản ghi nhớ về việc triển khai đầu tư Dự án Trung tâm công nghiệp Sunny Group tại Khu công nghiệp Yên Bình với vốn đầu tư khoảng 2-2,5 tỷ USD, dự kiến thu hút khoảng 15 nghìn lao động thường xuyên.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá, những năm gần đây, Thái Nguyên năng động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động, hình thành mạng lưới kết nối cung-cầu lao động trong toàn tỉnh và kết nối với các địa phương khác trong vùng. Tuần cao điểm kết nối cung-cầu lao động năm 2023 là khởi đầu cho chuỗi các hoạt động để phục hồi thị trường lao động năm nay và những năm tiếp theo.