Đến nay, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên có một sản phẩm chè được công nhận OCOP năm sao, hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ba và bốn sao. Để quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ chè, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng không gian văn hóa trà, cảnh quan để du khách thưởng trà, tham quan, chụp ảnh nương chè.
Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt Đào Thanh Hảo chia sẻ: Hằng ngày, chúng tôi bố trí nhân viên pha trà để du khách thưởng thức, hướng dẫn du khách tham quan không gian văn hóa trà, trải nghiệm quá trình chăm sóc, thu hái, chế biến chè. Qua đó, không chỉ làm cho du khách hiểu về nghề chè, con người, vùng chè Tân Cương mà còn góp phần tích cực quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm chè của hợp tác xã.
Từ lâu đời, cây chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, không chỉ là loại cây chủ lực, làm giàu cho người dân mà với địa thế đồi thấp lúp xúp, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, nương chè được trồng, thiết kế đẹp, ngăn nắp, thưởng trà ngon, cảnh quan đẹp, thực sự là sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút ngày càng nhiều du khách.
Nhiều địa phương trong tỉnh đầu tư điểm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, quảng bá sản phẩm OCOP. |
Đến nay, mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà, nhất là các sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP đã được hình thành, phát triển ở nhiều địa phương như Tân Cương (thành phố Thái Nguyên); La Bằng( huyện Đại Từ); Tức Tranh (huyện Phú Lương)... giúp người dân không chỉ quảng bá, tiêu thụ chè mà còn có thêm nguồn thu từ du lịch, dịch vụ.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 173 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có hai sản phẩm OCOP năm sao. Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng cho biết: Các sản phẩm của tỉnh được công nhận tiêu chuẩn OCOP đều là những sản phẩm tiêu biểu, đặc sản, có chất lượng, gắn với tiềm năng, lợi thế, đặc thù của các địa phương. Thời gian tới, chúng tôi hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, hỗ trợ các các chủ thể tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững gắn với nông nghiệp, các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân, tỉnh Thái Nguyên xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về du lịch cộng đồng và Chương trình xây dựng nông thôn mới, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh để các chủ thể tích cực tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm OCOP trên địa bàn Thái Nguyên nhằm hỗ trợ, tương tác nhau cùng phát triển, hướng đến du lịch bền vững, du lịch xanh.
Các cấp, ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 25 tỷ đồng đối với 5 điểm du lịch cộng đồng, các điểm du lịch này được hỗ trợ kinh phí lập dự án, đầu tư hạ tầng; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch cộng đồng trên địa bàn, đồng thời kết nối doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh tham gia khảo sát các điểm tham quan gắn với trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa tại cộng đồng. Hỗ trợ quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại các sự kiện được tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm OCOP trên địa bàn Thái Nguyên nhằm hỗ trợ, tương tác nhau cùng phát triển, hướng đến du lịch bền vững, du lịch xanh. Điều này không chỉ tạo nên sự phát triển hài hòa giữa văn hóa, du lịch, nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở địa phương.