Thái Nguyên bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Những năm qua, nhất là từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thái Nguyên coi trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối ở huyện Phú Bình với nghi lễ tâm linh truyền thống được khôi phục, hằng năm thu hút hàng chục nghìn du khách.
Lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối ở huyện Phú Bình với nghi lễ tâm linh truyền thống được khôi phục, hằng năm thu hút hàng chục nghìn du khách.

Hát Soọng cô là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, lâu đời của dân tộc Sán Dìu sinh sống trên địa bàn huyện Phú Bình, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau cho nên đã bị mai một trong sự luyến tiếc của nhiều người.

Trước tình hình đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình tổ chức tập huấn, mời nghệ nhân ôn luyện cho những người đã từng hát, truyền dạy hát Soọng cô cho những người có năng khiếu, yêu thích loại hình dân ca này tại xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt; đồng thời tặng 30 bộ trang phục dân tộc Sán Dìu, đạo cụ, nhạc cụ, loa máy; tư vấn, hướng dẫn thành lập, tổ chức hoạt động và cuối năm 2023 ra mắt Câu lạc bộ Soọng cô Đá Bạc với 60 thành viên.

Ông Lục Thanh Lâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Soọng cô Đá Bạc vui mừng nói: “Câu lạc bộ gồm những người đều yêu thích dân ca Soọng cô, nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc chúng tôi. Từ ngày thành lập câu lạc bộ đến nay tuy chưa dài, nhưng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và lễ hội sau đó, câu lạc bộ hoạt động sôi nổi, làm cho nét văn hóa truyền thống được sống lại, lan tỏa, như có luồng gió mới thổi vào đời sống văn hóa ở làng, xã, người người phấn khích, yêu đời”.

Nằm dưới chân núi Đuổm ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương, đền Đuổm thờ Tướng Dương Tự Minh, danh tướng người dân tộc Tày, làm quan thời nhà Lý và có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía bắc của nước Đại Việt xưa, được người dân địa phương phong là Đức Thánh Đuổm và hằng năm, địa phương tổ chức lễ hội đền Đuổm nhằm tri ân công đức của Ngài.

Những năm vừa qua, ngành văn hóa tỉnh Thái Nguyên và huyện Phú Lương dày công sưu tầm, phục dựng, bảo tồn đầy đủ nghi lễ truyền thống, tâm linh của lễ hội này và sau đó lễ hội đền Đuổm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay, trong hai ngày mồng 5 và 6 tháng Giêng, lễ hội đền Đuổm được tổ chức với quy mô lớn nhất, thu hút hàng vạn người dân, du khách thập phương chiêm bái, tri ân Đức Thánh Đuổm và cầu cho mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào.

Với dân số hơn 1,2 triệu người, 51 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30%, cư trú ở các vùng, miền, quá trình sinh sống lâu đời đã hình thành truyền thống văn hóa, phong tục dân tộc đặc sắc, riêng có, mang giá trị đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã khôi phục, phát huy giá trị di sản; đến nay toàn tỉnh có 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như múa rối cạn của dân tộc Tày làng Thẩm Rộc và Du Nghệ ở huyện Định Hóa; múa tắc xình của dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương, lễ hội núi Văn-núi Võ ở huyện Đại Từ; tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương ở thành phố Thái Nguyên; 18 nghệ nhân được vinh danh nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm di sản, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc cũng đang được bảo tồn, trao truyền, phát huy trong đời sống.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, với sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, nhất là các địa phương đã coi trọng, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ làm cơ sở phục hồi hát Then-Đàn tính, hát dân ca-dân vũ của các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Dao, H’Mông và các dân tộc thiểu số khác để bảo tồn, gìn giữ, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhờ đó các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực được khôi phục, phát triển nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và du khách. Khi các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, tỉnh và các địa phương tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá rộng rãi để các di sản đặc sắc này phát huy giá trị, lan tỏa rộng rãi, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.