Bài học cần thiết
Các thành viên đội tuyển Việt Nam cảm ơn người hâm mộ đến với sân Mỹ Đình trận chung kết lượt đi hôm 13/1. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Đội tuyển Thái Lan luôn là đối thủ khó khăn với Việt Nam, dù đội bóng có biệt danh “Chiến binh sao vàng” đã đạt đến những đỉnh cao chưa từng có dưới thời HLV Park Hang-seo.
Minh chứng là 4 lần đối đầu gần nhất trước trận chung kết lượt đi, đội tuyển Việt Nam không thắng (3 hòa, 1 thua), thậm chí không có bàn thắng nào vào lưới Thái Lan. Ngay cả khi, đó còn là giai đoạn đội tuyển Thái Lan sử dụng 2 HLV khác nhau (Akira Nishino và Alexandre Polking) và bước qua giai đoạn biến động.
Tại AFF Cup 2022, đội tuyển Thái Lan còn khó khăn hơn khi vắng tới 6 cầu thủ quan trọng, trong đó tiêu biểu là ngôi sao Chanathip Songkrasin. Ở chiều ngược lại, đội tuyển Việt Nam có đủ hầu hết những quân bài HLV Park Hang-seo luôn tin tưởng. Ngoại trừ trường hợp Nguyễn Công Phượng không tập trung do bận cùng CLB Yokohama FC của Nhật Bản, gần như thầy Park không còn thiếu nhân sự nào.
Tuy nhiên, một đội tuyển Thái Lan khiếm khuyết và chắp vá đã chơi rất tốt ở trận chung kết lượt đi với đội tuyển Việt Nam. HLV Polking đã sắp xếp nhân sự và cách tiếp cận khôn ngoan, phù hợp với lực lượng của “Voi chiến”. Đội hình 5-3-2 với bộ ba trung vệ Kritsada Kaman, Pansa Hemviboon và Weerathep Pomphan đá giăng ngang, hỗ trợ cho 3 tiền vệ trung tâm Theerathon Bunmathan, Sarach Yooyen và Peeradon Chamratsamee.
Khác với lối chơi tấn công thường thấy, đội tuyển Thái Lan chọn cách tiếp cận khôn ngoan hơn khi đá thiên về phòng ngự, chơi với cự ly đội hình gần nhau để sẵn sàng bọc lót và luôn duy trì khả năng kiểm soát, luân chuyển bóng nhuần nhuyễn nhờ khả năng điều tiết của Theerathon.
Chính Theerathon là ngôi sao sáng nhất của đội tuyển Thái Lan ở trận chung kết lượt đi với 2 đường chuyền thông minh cho đồng đội ghi bàn. Hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam chưa thủng lưới bàn nào từ đầu giải, nhưng đã để Theerathon khuất phục với những pha kiến tạo khôn khéo, khai thác những khoảng trống nhỏ.
Theerathon Bunmathan gây ra không ít khó khăn cho tuyến giữa đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Điểm sáng nhất của đội tuyển Thái Lan, không phải yếu tố chiến thuật, mà chính là thái độ ung dung, điềm tĩnh, thậm chí đủng đỉnh dù bị thủng lưới trước và phải chơi trên sân khách.
Tâm thế của đội tuyển Thái Lan đến từ gần 2 thập kỷ thống trị sân chơi Đông Nam Á, bên cạnh lối chơi nhuần nhuyễn và niềm tin vững vàng vào triết lý thi đấu. Đội tuyển Thái Lan hiểu rằng, nếu tuân thủ chiến thuật, kiên trì kiểm soát và giữ cường độ tấn công, bàn thắng chỉ là vấn đề sớm muộn.
Đội tuyển Việt Nam lại không có yếu tố này. Các học trò của HLV Park Hang-seo chọn cách tiếp cận dường như sai lầm ở đầu hiệp 2, đó là không đẩy cao áp sát, điều này vô tình mở đường cho đội tuyển Thái Lan kiểm soát trận đấu tốt hơn.
Khi nhận liên tiếp 2 bàn thua, Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội đã bối rối, không giữ được cự ly đội hình và có nhiều pha xử lý hỏng. Trong buổi phỏng vấn sau trận và ở phát biểu mới nhất, HLV Park Hang-seo thừa nhận học trò đã có sai lầm.
Tuy nhiên, quan trọng là đội tuyển Việt Nam còn trận đấu lượt về để sửa chữa. Thể thức có phần khác biệt của AFF Cup (đá chung kết hai lượt) so với các giải khác vô tình mở ra cơ hội làm lại cho thầy trò Park Hang-seo trên sân Thammasat của đội tuyển Thái Lan vào ngày 16/1 tới.
Chờ bản lĩnh nhà vô địch
Đội tuyển Việt Nam đã chơi trận bán kết lượt đi AFF Cup 2022 trong thế chịu trận trước đội tuyển Indonesia, để rồi thay đổi 180 độ trong màn tái đấu và thắng chung cuộc 2-0. Người hâm mộ cũng đang chờ đợi một màn “lột xác” tương tự khi đội tuyển Việt Nam chơi trận chung kết lượt về.
Trong sai lầm ở trận lượt đi, những thiếu sót thuộc về cá nhân có thể khỏa lấp sớm bằng những cầu thủ chất lượng hơn, hay chính cá nhân ấy tự rút ra bài học để nâng cấp bản thân. Còn những sai lầm thuộc về tập thể như khả năng bẫy việt vị, duy trì áp lực đều đặn trong cả trận hay bảo đảm phong độ thi đấu dù chịu sức ép lớn,... HLV Park Hang-seo cùng học trò cần gấp rút sửa chữa.
Với lực lượng dày dặn, ban huấn luyện còn nhiều nhân tố để chọn lựa, thay thế những cầu thủ đã chơi dưới phong độ ở giải này. Hàng tấn công là khu vực cần quan tâm hơn cả, bởi ngoài Nguyễn Tiến Linh, chưa một tiền vệ, tiền đạo Việt Nam nào ghi quá 1 bàn ở giải năm nay.
Đội tuyển Việt Nam thiếu những phương án tấn công chất lượng và bài bản. HLV Park Hang-seo đã rèn cho học trò một số miếng đánh sở trường như chuyền dài vượt tuyến, hay đánh biên trả ngược tuyến hai, nhưng như thế là chưa đủ để thắng một trận chung kết đỉnh cao.
Tiến Linh vẫn là điểm sáng hiếm hoi trên hàng công. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam đã trưởng thành, minh chứng là thành công ở Asian Cup hay vòng loại World Cup, nhưng đây mới là trận chung kết thứ hai ông cùng học trò trải nghiệm ở cấp đội tuyển quốc gia, sau trận chung kết AFF Cup 2018 mà đối thủ Malaysia khi ấy chẳng thể sánh bằng Thái Lan hiện tại ở độ tinh quái, lão luyện.
Do đó, nhiệm vụ cần thiết trước mắt là HLV Park Hang-seo phải tháo gỡ nút thắt tâm lý cho học trò. Ông Park nói nhiều cầu thủ đã rời vị trí bởi những tác động bên lề ở trận lượt đi. Vậy còn trận lượt về trên sân khách với áp lực còn lớn hơn thế thì sao? Đây là lúc khả năng “đắc nhân tâm” và thúc đẩy tinh thần cầu thủ của HLV Park Hang-seo cần được thể hiện.
Bởi nên nhớ, tinh thần đóng vai trò rất quan trọng. Chỉ khi cái đầu thông thoáng, đội tuyển Việt Nam mới có thể xử lý chuẩn xác dẫu chịu sức ép lớn cỡ nào.
Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc và tôi muốn cảm ơn các cầu thủ vì đã nỗ lực hết mình cho đến giây phút cuối cùng. Tôi chưa từng hứa điều gì nhưng có một điều chắc chắn: Chúng tôi sẽ làm tất cả để có thể mang chức vô địch trở về quê nhà.
HLV Park Hang-seo tuyên bố
Ông Park từng nhiều lần nói đến khái niệm “tinh thần Việt Nam”. Tinh thần ấy rất khó cắt nghĩa, nhưng có rất nhiều ví dụ cụ thể về sức chiến đấu tiềm tàng dưới thời HLV Park Hang-seo, mà màn “ngược gió” trên đất Thường Châu (Trung Quốc) ở đội U23 Việt Nam năm nào là một điển hình.
Sân Thammasat của Thái Lan ngày 16/1 tới sẽ không có mưa tuyết khắc nghiệt như chung kết U23 châu Á 2018, nhưng các cầu thủ cần chơi với nhuệ khí và niềm tin ấy để đảo ngược tình thế.
Sau cùng, tài thao lược của HLV Park Hang-seo là chiếc chìa khóa mở ra chiến thắng. “Chúng ta thắng 1-0 là vô địch mà, tại sao phải bi quan?”, ông Park đặt ngược câu hỏi cho báo giới. Câu hỏi ấy thể hiện tư duy rất mạch lạc của HLV Park Hang-seo, rằng ở trận chung kết lượt đi, đội tuyển Việt Nam dù có chơi kém, nhưng kết quả chung cuộc vẫn là hòa.
Trận hòa lượt đi đồng nghĩa thế cục vẫn rất mở cho 2 đội ở trận lượt về. HLV Park Hang-seo có cơ hội và thời gian để sửa sai, bày biện cho học trò một chiến lược mới, vốn không liên quan đến cách chơi cũ. Ở thể thức đấu cúp, đội mạnh hơn chưa chắc đã thắng, quan trọng là khả năng điều chỉnh và thích nghi.
HLV Park Hang-seo đã thấm nhuần điều này sau 5 năm cầm quân ở Đông Nam Á. Chất quái cùng kinh nghiệm dạn dày của thầy Park sẽ ngăn đối thủ có thể bắt bài, đọc vị ông tới 2 lần chỉ trong ít ngày. Cùng chờ đẳng cấp của HLV Park Hang-seo và bản lĩnh của cầu thủ giúp đội tuyển Việt Nam làm nên chuyện trước Thái Lan trong màn tái đấu tới.