Động thái trên được coi là nỗ lực của chính phủ Thái-lan trong việc thanh lọc một số ngành công nghiệp, đồng thời kiềm chế nạn buôn người trái phép và nạn cưỡng bức lao động.
Ông Adul Sangsingkeo, Bộ trưởng Lao động Thái-lan cho biết, những người bị trục xuất trên được sàng lọc từ gần 250 nghìn lao động nước ngoài trong cuộc kiểm tra mới nhất, do Bộ Lao động và Cục Di trú Thái-lan phối hợp thực hiện từ ngày 1-7 năm ngoái đến ngày 25-2 năm nay. Tất cả đều bị cáo buộc tội nhập cảnh trái phép và không có giấy phép lao động tại Thái-lan.
Chính phủ Thái-lan đã gia hạn thời gian tới năm ngoái để tạo cơ hội cho lao động nhập cư bất hợp pháp khai báo với chính quyền xin phép làm việc hợp pháp tại quốc gia này.
Tuy vậy, Bộ Lao động Thái-lan cho biết, dựa trên thỏa thuận giữa các chính phủ, những lao động mới đến từ các quốc gia như: Myanmar, Lào và Campuchia sẽ chỉ được phép làm việc trong một số ngành nghề nhất định ở Thái-lan. Trước đó, giới chức Thái-lan ước tính có khoảng 1,5 triệu người nước ngoài, chủ yếu từ các nước láng giềng, đã làm việc bất hợp pháp tại Thái-lan trong năm 2017.
Thái-lan cũng áp dụng mức phạt nặng đối với cả người sử dụng lao động và người lao động trái phép nhằm hạn chế tình trạng trên. Trong thời gian qua, giới chức Thái-lan cũng phạt gần một nghìn chủ sử dụng lao động và người lao động trái phép với số tiền thu được lên tới 25 triệu baht.
Tuy nhiên, với lượng lớn lao động trái phép bị bắt và trục xuất gần đây cho thấy các hình phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe. Ông Adul kêu gọi các cơ quan liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết dứt điểm vấn đề nhập cư và buôn người trái phép tại Thái-lan.