Tại cuộc hội thảo, Chủ tịch TTC Sanan Angubolkul đã trình bày với ông Prayut và các đại biểu tham dự Sách trắng với các đề xuất về một chiến lược cải thiện sức mạnh của nền kinh tế Thái Lan.
Theo chiến lược này, TCC sẽ trở thành trung tâm của thiết kế “Kết nối các dấu chấm”, tập hợp nỗ lực của Chính phủ, khối tư nhân và người dân. Ý tưởng chính của chiến lược là cải thiện nền kinh tế đang bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19 và bảo đảm sự tăng trưởng bền vững. Theo ông Sanan, mục tiêu này có thể đạt được nhờ thúc đẩy 3 chuỗi giá trị: thương mại và đầu tư, các ngành lương thực và trang trại cùng du lịch và dịch vụ.
Đồng thời, để cải thiện sức mạnh của nền kinh tế, cần kết nối 5 chi nhánh khu vực của TTC, nơi các thành viên được phép đưa ra ý kiến của mình về cách thức vượt qua khủng hoảng Covid-19. Điều này đòi hỏi các văn phòng khu vực phải vạch ra các chiến lược kinh tế phù hợp với kế hoạch phát triển xã hội và kinh tế quốc gia.
Ông Sanan cũng cho biết, một kế hoạch có tên “Kết nối SME” cũng đã được triển khai trong quá trình chuyển đổi số của hơn 3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong cả nước. Các doanh nghiệp SME trên toàn Thái Lan hiện sử dụng khoảng 12 triệu lao động và tạo ra 5,3 nghìn tỷ bạt, tương đương 34,2% GDP của nước này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn còn thiếu sức cạnh tranh do không có đủ thiết bị và công nghệ hậu cần với nhiều doanh nghiệp đang chịu các khoản nợ lớn và không thể tiếp cận nguồn tài chính.
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh, nghèo đói, bất công và bất bình đẳng là những vấn đề lớn mà Thái Lan còn chưa giải quyết được. Và các biện pháp để giải quyết những vấn đề này đã được bao gồm trong bản Kế hoạch Chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 13.
Bản kế hoạch này bao gồm các biện pháp cải thiện an ninh quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh, phát triển và nâng cao năng lực nguồn nhân lực; mở rộng cơ hội để cải thiện bình đẳng xã hội, tái cân bằng và điều chỉnh nền hành chính nhà nước; và tạo sự tăng trưởng kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường.
Chính phủ Thái Lan hy vọng chiến lược phát triển 20 năm này sẽ đặt ra một loạt các mục tiêu để hoàn thành một cách liên tục. Chiến lược có sự ràng buộc về mặt pháp lý đối với các chính phủ trong tương lai trong việc điều chỉnh các chính sách phát triển và bảo đảm nguồn ngân sách phù hợp với nó. Bản chiến lược cũng bao gồm các biện pháp để giải quyết các vấn đề kinh tế, lũ lụt, nợ của các hộ gia đình và y tế.
Về các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19, Thủ tướng Thái Lan cho biết, chính phủ đã đặt ra mục tiêu trong tháng này sẽ đạt mốc tiêm chủng 100 triệu mũi vaccine cho người dân và sẽ triển khai tiêm thêm 20 triệu mũi nữa trong tháng sau. Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp khôi phục hoạt động và người dân được quay trở lại cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt.
Ông cho biết, Chính phủ Thái Lan đã dành một khoản ngân sách lên tới 3 nghìn tỷ bạt (tương đương 25% GDP) để phục hồi nền kinh tế và đối phó đại dịch. Ông nói: “Trong năm tới, kế hoạch đặt ra là sẽ tiêm khoảng 60 đến 70 triệu mũi vaccine tăng cường. Nếu không có sự hợp tác, nguy cơ xảy ra đợt bùng phát mới là rất cao. Bởi vậy, cần thuyết phục càng nhiều người dân tiêm vaccine càng tốt”.
Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết, kinh tế Thái Lan trong năm 2021 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 1,2% sau khi đất nước mở cửa đón du khách quốc tế.
Ông Arkhom cho biết, việc Thái Lan mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm vaccine đã giúp nền kinh tế và du lịch có dấu hiệu hồi phục trong quý 4. Ông Arkhom cũng dự báo, trong năm tới kinh tế Thái Lan sẽ đạt mức tăng trưởng từ 3,5% đến 4,5% nhờ các yếu tố như nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19, sự hồi phục của khu vực tư nhân, nỗ lực kích thích chi tiêu của các hộ gia đình, khuyến khích đầu tư và chi tiêu của chính phủ.