Dự kiến, 800.000 liều tiếp theo sẽ đến Thái Lan trong tháng ba tới và một triệu liều còn lại sẽ được bàn giao trong tháng 4. Theo kế hoạch, lô hàng gồm 200.000 liều vaccine Sinovac trên sẽ được phía Thái Lan kiểm tra cho tới ngày 26-2 và chuyển đến các bệnh viện trong ngày 27-2, bắt đầu việc tiêm chủng bắt đầu từ ngày 1-3 đối với những đối tượng ưu tiên nằm trong độ tuổi từ 18 đến 59.
Chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Thái Lan được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, với số lượng liều hạn chế, sẽ được chuyển đến 13 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, có ý nghĩa kinh tế lớn nhất hoặc cả hai, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế, người có bệnh mãn tính và người cao tuổi.
Cũng trong chiều 24-2, Thái Lan dự kiến tiếp nhận 117.000 liều vaccine từ công ty AstraZeneca của Anh - Thụy Điển. Dự kiến, những liều vaccine còn lại dành cho người Thái Lan vào năm 2021 sẽ là vaccine AstraZeneca do công ty Siam Bioscience sản xuất tại Thái Lan, theo đó, từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ có 26 triệu liều và từ tháng 9 đến tháng 12 có 35 triệu liều.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Thái Lan, Anutin Charnvirakul cho biết, dự kiến, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ là người đầu tiên ở nước này được tiêm vaccine AstraZeneca vào ngày 27-2. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế Anutin cùng ngày cũng sẽ là người đầu tiên ở Thái Lan tiêm chủng vaccine Sinovac của Trung Quốc.
Trước đó, Thủ tướng Prayut đã bày tỏ hy vọng, các lô vaccine đến Thái Lan trong ngày 24-2 báo hiệu một sự khởi sắc cho tương lai của đất nước. Ông Prayut tin tưởng chương trình tiêm chủng vaccine sẽ góp phần phục hồi ngành du lịch và các hoạt động kinh doanh của Thái Lan. Những người tiêm vaccine và có giấy chứng nhận cũng có thể được phép nhập cảnh vào Thái Lan mà không cần cách ly, mặc dù họ sẽ phải được theo dõi, đề phòng các trường hợp xấu nhất.