Thái Lan sử dụng robot để tối ưu lượng vaccine Covid-19

NDO -

Trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 Thái Lan đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn cung vaccine, các nhà khoa học của trường Đại học Chulalongkorn đã phát triển một hệ thống máy chia các mũi vaccine chính xác, hiệu quả hơn nhằm tối ưu hóa lượng vaccine có thể sử dụng.

Một nhân viên kỹ thuật đang vận hành hệ thống chiết vaccine Autovacc ở trường ĐH Chulalongkorn. (Ảnh: Reuters)
Một nhân viên kỹ thuật đang vận hành hệ thống chiết vaccine Autovacc ở trường ĐH Chulalongkorn. (Ảnh: Reuters)

Sử dụng một cánh tay robot, trong vòng bốn phút, hệ thống mang tên “Autovacc” này có thể hút được 12 mũi vaccine từ một lọ vaccine AstraZeneca. Hệ thống này đã được lắp đặt và vận hành tại trung tâm vaccine của trường ĐH Chulalongkorn từ đầu tuần qua.

Theo các nhà khoa học của trường ĐH Chulalongkorn, nhờ sử dụng hệ thống này, họ có thể tối ưu hóa lượng vaccine có thể sử dụng trong mỗi lọ tăng thêm 20% so với tiêu chuẩn 10 mũi tiêm mỗi lọ. Theo hướng dẫn trên nhãn các lọ vaccine, lượng vaccine trong mỗi lọ có thể sử dụng để tiêm từ 10 đến 11 mũi.

Bà Juthamas Ratanavaraporn, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Y sinh học của trường Chulalongkonr nói: “Nhờ bảo đảm được sự chính xác, hệ thống máy này có thể giúp chúng tôi tăng lượng vaccine sử dụng được của mỗi lọ vaccine thêm 20%, từ 10 lên thành 12 mũi tiêm. Với 20% lượng vaccine tăng thêm này đồng nghĩa với việc nếu chúng tôi được cấp lượng vaccine AstraZeneca cho 1 triệu người, hệ thống máy này có thể tăng số mũi tiêm đủ cho 1,2 triệu người”.

Theo các nhà khoa học của trường ĐH Chulalongkorn hệ thống này được chế tạo để giảm thiểu gánh nặng cho các nhân viên y tế khi số ca bệnh vẫn đang tiếp tục tăng cao. Mặc dù hiện nay một số nhân viên y tế có thể sử dụng loại ống tiêm không gian chết thấp (LDSS) để tăng số mũi tiêm rút từ mỗi lọ vaccine lên 12 mũi, nhưng nó đòi hỏi cao về nhân lực và trình độ kỹ năng cao.

Bà nói: “Việc này có thể tiêu tốn nhiều sức lực của nhân viên y tế. Họ có thể sẽ phải làm việc này hằng ngày trong nhiều tháng trời”. Bà cho rằng khi các nhân viên y tế quá mỏi mệt, họ có thể gặp sai sót, bởi vậy nên để máy móc thực hiện những công việc này.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ có thể chế tạo thêm khoảng 20 hệ thống AutoVacc trong vòng từ ba đến bốn tháng nữa. Tuy nhiên, để có thể đưa hệ thống này vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc, họ cần được sự hỗ trợ về chi phí từ chính phủ.

Bà Juthamas cho biết, chi phí để chế tạo hệ thống nguyên mẫu mất khoảng 2,5 triệu bạt (tương đương hơn 75.000 USD), bao gồm cả các nguyên liệu khác như ống tiêm. Hiện nhóm nghiên cứu cũng đang có kế hoạch chế tạo các hệ thống có chức năng tương tự để sử dụng với các loại vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna.

Hiện nay, khi đợt bùng phát dịch mới do biến chủng Delta gây ra vẫn đang lan rộng tại Thái Lan, chính quyền nước này đã đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vaccine cho người dân. Cho tới nay, mới chỉ có khoảng 9% trong tổng số hơn 66 triệu người dân Thái Lan được tiêm đầy đủ vaccine do nguồn vaccine được cung ứng thấp hơn so với dự kiến.