Thái Lan phát hiện một số ổ dịch Covid-19 hơn nghìn người nhiễm

NDO -

Tình hình dịch Covid-19 ở Thái Lan hiện đang vẫn đang trong tình trạng hết sức phức tạp khi nhà chức trách vừa phát hiện và tiến hành phong tỏa hai ổ dịch lớn tại thủ đô Bangkok và tỉnh Phetchaburi với số lượng lên tới hơn 1.000 ca tại mỗi ổ dịch.

Khu nhà ở dàn cho công nhân xây dựng ở quận Laksi bị phong tỏa. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)
Khu nhà ở dàn cho công nhân xây dựng ở quận Laksi bị phong tỏa. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Ngày 21-5, Chính quyền Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã ra lệnh phong tỏa một khu nhà tạm dành cho công nhân xây dựng ở quận Laksi sau khi phát hiện hơn 1.000 ca lây nhiễm Covid-19 tại đây. Trong số đó, có tới 36/80 mẫu phân tích cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Sars-CoV-2 có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trại tạm trú này do công ty Phát triển Italy - Thái xây dựng để làm nơi ăn ở cho các công nhân làm việc tại một công trường xây dựng gần đó.

Theo kết quả xét nghiệm, trong tổng số 1.667 công nhân xây dựng sống tại khu nhà tạm này, có tới 1.107 người có kết quả dương tính với virus Sars-CoV-2, đạt tỷ lệ lây nhiễm lên tới 66%. Ủy ban Kiểm soát dịch truyền nhiễm của chính quyền Bangkok đã phải áp đặt lệnh “cô lập cộng đồng” tại khu nhà tạm này trong vòng 28 ngày để kiềm chế sự lân lan của dịch. Các công nhân nhiễm Covid-19 sẽ được cung cấp thực phẩm và điều trị y tế trong khi những người có triệu chứng sẽ được đưa tới bệnh viện.

Ủy ban Kiểm soát dịch truyền nhiễm của chính quyền Bangkok cũng quyết định sẽ áp dụng hướng dẫn kiểm soát dịch cho các trại tạm trú tương tự trong bối cảnh dịch bùng phát. Theo đó, các trại tạm trú thiết lập ngay tại công trường xây dựng, tương tự như khu trại ở Laksi, sẽ bị phong tỏa. Tuy nhiên, công trường vẫn hoạt động bình thường. Đối với các trại tạm trú ở xa công trường cũng sẽ bị phong tỏa, đồng thời công trường cũng buộc phải dừng hoạt động.

Cục trưởng Cục Y khoa Thái Lan Supakit Sirilak cho biết nhóm của ông đã phân tích mã gene của mẫu virus lấy từ 80 công nhân xây dựng và những người dân sống gần đó. Trong số này có, 36 người bao gồm 21 người Thái Lan, 10 người Myanmar và năm người Campuchia, đã bị nhiễm biến chủng virus từ Ấn Độ. Những người còn lại đều bị nhiễm biến chủng có nguồn gốc từ Anh. Tiến sĩ Supakit cho biết thêm hiện có tới 87% số ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan do biến chủng Sars-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul yêu cầu tạm thời dừng hoạt động các công trường xây dựng trong thời gian tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các công nhân. Ông cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh yêu cầu các nhà thầu thi hành nghiêm túc các biện pháp phòng dịch tại các khu tạm trú của công nhân. Chính quyền quận Laksi dự kiến sẽ tiêm vaccine cho cộng đồng dân cư lân cận ổ dịch kể từ thứ 3 tuần tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Trong khi đó, tại tỉnh Phetchaburi, nhà chức trách cũng đã phong tỏa một nhà máy điện tử ở quận Khao Yoi, nơi đã phát hiện tới 1.690 ca nhiễm Covid-19 chỉ trong vòng hai ngày qua. Trong số 819 ca nhiễm mới được ghi nhận ngày 21-5, có 60 người Thái và 759 công nhân nước ngoài, hầu hết là người Myanmar. Như vậy, số công nhân nhiễm Covid-19 đã chiếm gần 50% trong tổng số 3.600 công nhân đang làm việc tại nhà máy này.

Chính quyền tỉnh đã ra quyết định phong tỏa nhà máy trong vòng 14 ngày kể từ ngày 21-5 và cấm các công nhân sống trong khu ký túc xá gần nhà máy ra khỏi nhà. Một bệnh viện dã chiến cũng đã được thiết lập bên trong nhà máy. Còn các công nhân sống ở ngoài khu ký túc xá cũng bị buộc phải tự cách ly.

Hiện nay, nhà chức trách đang lo các công nhân trong nhà máy có thể lây bệnh cho người thân và cư dân trong các khu dân cư chung quanh từ thời điểm trước khi ổ dịch được phát hiện. Ông Rapeephan Phothong, Giám đốc Văn phòng kiểm soát dịch bệnh tỉnh Ratchaburi và Phetchaburi, cho biết các nhân viên y tế đang tiến hành xét nghiệm những người có nguy cơ cao tại các khu dân cư chung qanh nhà máy.

Trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, Chính phủ Thái Lan đã quyết định kéo dài thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp thêm hai tháng nữa nhằm kiểm soát đại dịch. Tại buổi họp báo ngày 21-5, người phát ngôn Trung tâm xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết cuộc họp của CCSA do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 7 để tạo thuận lợi cho các nỗ lực kiểm soát dịch. Quyết định này sẽ được đệ trình để Chính phủ thông qua vào thứ 3 tuần tới.