Thái Lan nỗ lực tận dụng lợi ích của cuộc cách mạng kinh tế số

NDO -

Theo Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số Thái Lan Chaiwut Thanakamanusorn, Chính phủ nước này đã và đang nỗ lực thúc đẩy việc phát triển hạ tầng cơ sở cộng nghệ, ứng dụng và tận dụng những công nghệ mới như công nghệ thực tại ảo, Metaverse để đưa Thái Lan trở thành một trong nước đi đầu trong cuộc cách mạng kinh tế số sắp tới.

Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số Thái Lan Chaiwut Thanakamanusorn. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)
Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số Thái Lan Chaiwut Thanakamanusorn. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Ngày 30/6, phát biểu tại Hội thảo Công nghệ 2022 do tờ Bưu điện Bangkok tổ chức, ông Chaiwut khẳng định, nhờ nỗ lực phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của Chính phủ và các ứng dụng do cả khu vực nhà nước và tư nhân phát triển, các doanh nghiệp và cá nhân Thái Lan đã nhanh chóng áp dụng các nền tảng kỹ thuật số thông qua các mạng 5G cực nhanh và có độ trễ thấp.

Ông Chaiwut cho biết, Thái Lan đang được coi là một trong những nước có hạ tầng công nghệ viễn thông và thông tin tốt nhất thế giới. Chính phủ Thái Lan đã phát triển mạng không dây băng thông rộng để thúc đẩy đất nước phát triển, tận dụng được những lợi ích từ sự ra đời của các công nghệ thực tại ảo, Metaverse và cuộc cách mạng kinh tế số tiếp theo.

Hiện nay, khoảng 70% dân số Thái Lan đã được sử dụng mạng internet. Tốc độ dịch vụ băng thông rộng cố định ở nước này hiện đứng thứ 3 trên thế giới với tốc độ tải về đạt mức trung bình 308,35 megabit mỗi giây (Mbps). Người dân Thái Lan cũng đã nhanh chóng tiếp nhận những dịch vụ kỹ thuật số như thương mại điện tử.

Theo báo cáo Digital 2021 do tổ chức We Are Social công bố, Thái Lan đứng thứ 3 trên thế giới về tiếp nhận thương mại điện tử với 83,5% người dùng internet Thái Lan mua hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến. Hơn nữa, gần 3/4 dân số Thái Lan cũng thực hiện các hoạt động thương mại điện tử qua điện thoại di động, hạng mục mà nước này đứng thứ 2 toàn cầu. Trong khi đó, về việc tiếp nhận và sử dụng dịch vụ ngân hàng di động, Thái Lan là nước dẫn đầu thế giới.

Về phía Chính phủ, Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan đã thực hiện nhiều dự án phát triển như quảng bá việc sử dụng công nghệ 5G và hỗ trợ phát triển thành phố thông minh. Bộ này cũng chuẩn bị các luật liên quan tới công nghệ, và có những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật số và trợ giúp các ngành công nghiệp tiếp nhận các sáng kiến mới.

Trong khi đó, dự án Trung tâm Dữ liệu và đám mây Chính phủ (GDCC) sẽ giúp tất cả các cơ quan nhà nước sử dụng công nghệ đám mây để tận dụng hiệu quả và chia sẻ rộng rãi dịch vụ Dữ liệu lớn của Chính phủ, mở đường cho việc tạo thêm các ứng dụng và dịch vụ tiên tiến cho công chúng.

Ông Chaiwut nói: “Tất cả các bộ dữ liệu của các cơ quan sẽ được lưu trữ hoàn toàn trên GDCC trong vòng 3 năm tới”. Theo ông Chaiwut, GDCC sẽ giúp đẩy mạnh công việc của chính phủ bởi nó là một nền tảng mở và có thể kết nối các dịch vụ đám mây của chính phủ, khối tư nhân và công cộng để phục vụ tất cả các lĩnh vực.

Ngoài việc phát triển GDCC, được thúc đẩy bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo, Bộ Xã hội và Kinh tế số cũng cam kết sẽ cải thiện an ninh mạng của Thái Lan thông qua văn phòng Ủy ban An ninh mạng Quốc gia (NCSC). Để bảo vệ quyền riêng tư của người dân, Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân đã được áp dụng từ ngày 1/6 vừa qua. Ông Chaiwut cho biết PDPA đã xác định một tiêu chuẩn về sử dụng và lưu trữ, xác nhận và bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm bảo đảm sự phù hợp và chính xác. PDPA cũng không tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp. Ông cho biết thêm Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu cá nhân (PDPC) dự kiến sẽ đưa ra thêm 30 văn bản dưới luật vào cuối năm nay để hoàn tất hệ sinh thái bảo vệ dữ liệu. Đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn cho tất cả các hoạt động liên quan.

Ông Chaiwut cho rằng, PDPA và các chương trình an ninh mạng là rất quan trọng trong bối cảnh người dân sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số ngày càng nhiều, đặc biệt là trong kỷ nguyên metaverse. Khi công nghệ metaverse được áp dụng ở quy mô lớn, nó sẽ trở nên rất phức tạp và có thể dễ dàng xuất hiện các trò lừa đảo và các nguy cơ khác đối với người tiêu dùng. PDPA là 1 trong 12 luật có liên quan tới công nghệ kỹ thuật số mà chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy trong lộ trình chuyển đổi kinh tế số của mình.

Chính phủ Thái Lan cũng đã phát triển một Nền tảng Chính phủ vì sự tuân thủ PDPA (GPPC) như một nền tảng trung ương để phục vụ hơn 200 cơ quan nhà nước, dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa năm 2023.