Thái Lan nỗ lực bình ổn chi phí sinh hoạt cho người dân

NDO -

Trong bối cảnh lũ lụt gây ảnh hưởng tới nhiều vùng trên cả nước và giá nhiên liệu tăng mạnh, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết đang theo dõi sát sao giá cả nông sản và các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm và đưa ra các biện pháp giảm chi phí sinh hoạt cho người dân.

Lũ lụt gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân Thái Lan. (Ảnh: Reuters)
Lũ lụt gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Wattanasak Sur-iam, Cục trưởng Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, các sản phẩm được tập trung theo dõi bao gồm các sản phẩm dân dụng được sử dụng hằng ngày, vật liệu xây dựng cũng như lương thực và nông sản như gạo, trứng, thịt lợn và hoa quả.

Nhằm giảm thiểu tác động tới người tiêu dùng, gần đây Cục Nội thương đã triệu tập một cuộc họp với các hãng vận chuyển, nhà cung cấp sản phẩm và nhà sản xuất để tăng lượng hàng dự trữ cũng như kêu gọi sự hợp tác từ các nhà bán lẻ và bán buôn trong việc duy trì giá cả các sản phẩm, giúp người tiêu dùng đang gặp khó khăn do đại dịch và bị giảm thu nhập.

Bộ Thương mại cam kết sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tạp hóa di động, bán các mặt hàng thiết yếu như các sản phẩm vệ sinh, giặt giũ, đồ làm bếp và sản phẩm sử dụng hằng ngày tới các cộng đồng, giúp người dân giảm chi phí sinh hoạt. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ ba ở Thái Lan, Bộ Thương mại nước này đã triển khai hơn 1.000 cửa hàng tạp hóa di động tới khắp các địa phương trên cả nước. Cục đã sẵn sàng liên kết với các chợ trung tâm và bên bán buôn, bán lẻ ở mỗi khu vực để giúp phân phối nông sản của nông dân, đặc biệt là gạo, trứng và rau quả. Ngoài ra, Cục Nội thương cũng phối hợp các trạm bán xăng ở Bangkok và khu vực lân cận để phát triển thêm các kênh phân phối nông sản cho nông dân.

Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng chiến lược và chính sách thương mại Thái Lan (TPSO) Ronnarong Phoolpipat kêu gọi người tiêu dùng không nên lo lắng về giá cả hàng hóa bởi Bộ Thương mại thường xuyên giám sát các động thái giá sản phẩm và dịch vụ.

Hiện Chính phủ Thái Lan đã đưa 46 sản phẩm và 5 loại dịch vụ vào danh sách kiểm soát giá năm 2021. Danh sách kiểm soát giá này bao gồm các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày như thực phẩm, đồ gia dụng, các sản phẩm nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, máy kéo và máy gặt lúa), vật liệu xây dựng, giấy, xăng dầu và thuốc men. Các doanh nghiệp chế biến hoặc bán các sản phẩm có tên trong danh sách sẽ buộc phải thông báo cho nhà chức trách giá mỗi sản phẩm và phải được sự chấp nhận của nhà nước trước khi tăng giá.

Theo ông Rannnarong, chi phí sinh hoạt trong tháng 9 của người dân được cho là tăng lên khi lạm phát toàn phần được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 0,02% vào tháng 8. Tuy nhiên, ông cho biết mức lạm phát gia tăng trong tháng 9 chủ yếu là do các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí sinh hoạt (giảm hóa đơn điện, nước) của chính phủ đã kết thúc, giá xăng dầu tăng cũng như việc gia tăng giá sản phẩm và dịch vụ hằng ngày.

TPSO dự báo CPI trong quý 4/2021 sẽ tiếp tục tăng so với quý trước đó, do sự gia tăng của ba yếu tố chính là giá nhiên liệu, sự nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19 góp phần thúc đẩy các hoạt động y tế và sự giảm giá đồng bạt gây ảnh hưởng tới chi phí sản xuất và vận chuyển. Giá một số mặt hàng lương thực thô có nhiều biến động, đặc biệt là gạo, rau quả tươi, dự kiến sẽ biến động theo sự biến đổi của khí hậu và thiên tai.

Ông Rannnarong cho rằng, tình hình dịch Covid-19 cũng là một yếu tố gây rủi ro, có thể tác động lớn tới sự phục hồi kinh tế Thái Lan và cần theo dõi sát tình hình lạm phát. Bộ Thương mại Thái Lan dự báo tỷ lệ lạm phát trong quý 4/2021 có thể gia tăng từ 1,4% tới 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả năm 2021, Bộ này cho rằng mức lạm phát tổng thể sẽ dao động trong khoảng từ 0,8% đến 1,2%. Tỷ lệ này được xem là phù hợp và đủ để hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan.