Thái Lan đề xuất 3 ưu tiên nhằm tăng cường quan hệ ASEAN-Trung Quốc

NDO -

Ngày 22/11, phát biểu tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc đánh dấu 30 năm quan hệ đối thoại theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực, đồng thời đề xuất 3 ưu tiên nhằm tăng cường quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tham dự hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tham dự hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, Thủ tướng Thái Lan đã gửi lời chúc mừng kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc và nhấn mạnh cuộc họp cấp cao lần này mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện. Mối quan hệ này sẽ được tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa, từ đó cải thiện sự hợp tác trên mọi phương diện một cách cụ thể.

Thủ tướng Thái Lan tái khẳng định tầm quan trọng trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực, cũng như việc duy trì cân bằng chiến lược trong kiến trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm. Tinh thần hợp tác này được kỳ vọng sẽ truyền sang các lĩnh vực hợp tác khác dựa trên nguyên tắc 3M (tin cậy lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng đạt lợi ích), nhằm tạo 1 môi trường thuận lợi cho tất cả các quốc gia cùng khôi phục từ những tổn thương do đại dịch Covid-19 gây ra. Các bên cũng sẽ cùng tiến tới những thập kỷ mới một cách an ninh, thịnh vượng và bền vững.

Ông Prayut Chan-o-cha cho rằng, quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc là trụ cột hợp tác chính nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài và sự thịnh vượng chung trong khu vực, với những thành tựu toàn diện và liên tục trên tất cả các mặt.

Tại hội nghị, Thủ tướng Thái Lan cũng đề xuất 3 ưu tiên chính có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc.

Thứ nhất, cần tập trung vào việc phát triển lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng mọi người sống trên cơ sở điều độ, hợp lý và tự miễn dịch trong việc đối phó với các thách thức và tình huống khẩn cấp trong tương lai. ASEAN có thể trao đổi và học hỏi từ các thành tựu của Trung Quốc trong một số lĩnh vực, thí dụ như nông nghiệp bền vững, bao gồm chế biến, sản xuất và tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, cũng như xóa đói giảm nghèo, tăng cường an ninh lương thực. Thái Lan ủng hộ vai trò liên tục và mang tính xây dựng của Trung Quốc trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong cả ASEAN và các tiểu vùng, đặc biệt là khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lancang và ACMECS, với Trung Quốc là đối tác phát triển chính.

Thứ hai, ASEAN và Trung Quốc cần tập trung tăng cường khả năng phục hồi kinh tế-xã hội từ gốc rễ. Việc này bao gồm đổi mới quá trình học tập và tiềm năng phát triển của con người ở tất cả mọi lứa tuổi bằng cách tối ưu hóa khoa học, công nghệ và sáng tạo một cách thích hợp và an toàn. Các bên cần tăng cường khả năng cạnh tranh, cả về quy mô và tốc độ, cũng như đẩy mạnh tiềm năng của khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và cực nhỏ, các doanh nhân nữ và các nhóm có nguy cơ. ASEAN và Trung Quốc nên gia tăng giá trị cho quan hệ đối tác kinh tế bằng cách quảng bá kinh tế kỹ thuật số và thương mại điện tử, song song với việc nhanh chóng xây dựng xã hội kỹ thuật số, nhằm mang lại hạnh phúc cho người dân trong kỷ nguyên bình thường mới.

Cuối cùng, ông Prayut Chan-o-cha cho rằng, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường là cần thiết cho sự tồn tại của nhân loại. Thái Lan tái khẳng định cam kết tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này cả ở mức độ khu vực và toàn cầu, bằng cách tập trung thúc đẩy sự cân bằng và bền vững trong mọi phương diện. Thái Lan đề xuất mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) như một trong những hướng tiếp cận nhằm đạt được những mục tiêu trên. Thái Lan rất nghiêm túc và sẵn sàng để đạt tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng mọi biện pháp có thể, với mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm hoàn toàn phát thải khí nhà kính vào năm 2065, như ông Prayut Chan-o-cha đã cam kết tại hội nghị COP26.

Thủ tướng Thái Lan 1 lần nữa khẳng định cam kết vững chắc của nước này trong việc hợp tác nhằm xây dựng quan hệ đối tác an ninh, thịnh vượng và bền vững. Về vấn đề này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định sự ủng hộ của ông đối với việc Thái Lan đăng cai tổ chức APEC 2022.