Thái Lan đề ra 8 lĩnh vực quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh

NDO -

Ngày 10/2, tại hội nghị trực tuyến “Tương lai tăng trưởng: Tầm nhìn Thái Lan 2030”, Bộ Tài chính Thái Lan đã chỉ ra 8 lĩnh vực mà quốc gia này cần phải thực hiện trong thập niên tới để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith. (Ảnh: The Thaiger)
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith. (Ảnh: The Thaiger)

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết, Thái Lan cần thích ứng ngay từ bây giờ để tránh suy thoái kinh tế. Theo đó, đơn vị lập kế hoạch của chính phủ là Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) đã soạn thảo một kế hoạch chiến lược 20 năm được chia thành các kế hoạch hành động 5 năm.  

Lĩnh vực đầu tiên được Bộ Tài chính Thái Lan chỉ ra là biến đổi khí hậu, với việc cộng đồng toàn cầu đặt mục tiêu trung lập carbon và phát thải ròng bằng 0, Thái Lan cần phải tham gia vào nỗ lực này. Thái Lan cũng đã thiết kế một chính sách là kế hoạch thúc đẩy toàn diện xe điện (EV) nhằm hỗ trợ giảm lượng khí thải carbon.

Lĩnh vực thứ hai là thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số, một trong 12 ngành công nghiệp mục tiêu. Ông Arkhom cho biết công nghệ kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong 2 năm qua, đặc biệt là trong các hệ thống thanh toán, cho vay ngang hàng và tài trợ điện toán đám mây. Chính phủ sẽ thúc đẩy những đổi mới này, nhưng Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) và Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái sẽ giám sát để bảo đảm không ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính.

Lĩnh vực thứ ba là thúc đẩy ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, vốn là ngành có tiềm năng mạnh mẽ. Khu vực tư nhân đã chủ động đưa các xu hướng sức khỏe và lối sống của người cao tuổi vào mô hình kinh doanh của họ. Ví dụ, các nhà phát triển bất động sản đã xây dựng nơi ở phục vụ cho những người nước ngoài lớn tuổi muốn ở lại Thái Lan lâu dài.

Thứ tư, ông Arkhom cho biết Thái Lan cần quan tâm và thúc đẩy hơn nữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Theo đó, Bộ Tài chính Thái Lan đang xem xét cách thức hỗ trợ những người quan tâm đến việc đầu tư và mở các công ty khởi nghiệp.

Thứ năm là lĩnh vực du lịch, mặc dù ngành này thông thường chiếm 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với khoảng 40 triệu lượt du khách quốc tế đến Thái Lan hàng năm trước đại dịch, nước này phải chuyển từ số lượng sang chất lượng khi bàn về du lịch. Ông Arkhom kêu gọi Chính phủ phải quan tâm hơn đến việc thu hút du khách có khả năng chi tiêu cao thay vì dựa vào du lịch đại trà, vốn được biết là có tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Thứ sáu, ông Arkhom cho rằng cần phải tạo ra một mạng lưới an toàn xã hội, đặc biệt là cho người dân, và thúc đẩy tiết kiệm trong lực lượng lao động để giúp họ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong tương lai.

Thứ bảy, Bộ trưởng Tài chính đề cập tới quá trình chuyển đổi sang một xã hội lão hóa vẫn là một thách thức đối với Thái Lan và đòi hỏi phải có kế hoạch cẩn thận.

Cuối cùng, Arkhom kêu gọi các nhà hoạch định chính sách phải bảo đảm tính bền vững về tài khóa bằng cách tăng hiệu quả thu ngân sách và mở rộng cơ sở thuế. Ông Arkhom mô tả đây là một vấn đề toàn cầu do chi tiêu công lớn cần thiết trong 2 năm qua để giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.