Theo bà Ratchada, xuất khẩu trái cây của Thái Lan đã tăng từ 91 tỷ Baht năm 2020 lên 160 tỷ Baht vào năm 2021, trong đó 100 tỷ Baht đến từ việc xuất khẩu trái sầu riêng. Chính phủ Thái Lan hiện đang đàm phán với Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ vận chuyển các sản phẩm trái cây của Thái Lan, đồng thời lên kế hoạch mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu trái cây lớn nhất của Thái Lan, tuy nhiên chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt của Bắc Kinh trong năm qua đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển trái cây của Thái Lan qua các chốt kiểm soát.
Thái Lan hiện đang cố đàm phán với đất nước tỷ dân về việc cho phép hơn 400 nhà xuất khẩu Thái Lan được chứng nhận với giấy phép Thực hành Sản xuất Tốt Mở rộng (GMP Plus) và chứng nhận đào tạo về các hạn chế Covid của Trung Quốc nhằm không phải trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng như việc phải mở mọi container khi đi qua các trạm kiểm soát. Ngoài ra, nước này cũng đề xuất giải pháp "Làn đường xanh" để theo dõi nhanh việc xuất khẩu trái cây Thái Lan và giảm bớt các hạn chế của hàng rào phi thuế quan.
Ngoài đàm phán với Trung Quốc, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của Thái Lan cũng đang tìm cách mở rộng xuất khẩu trái cây sang các thị trường mới ở Trung Đông như Saudi Arabia và UAE (Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất).
Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan, Chalermchai Sri-on khẳng định nhu cầu đối với hoa quả Thái Lan ở Trung Đông ngày càng tăng cao, đặc biệt với các loại quả như: Chôm chôm, măng cụt, nhãn, xoài và sầu riêng.
Xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Thái Lan sang UAE đạt khoảng 10 tỷ Baht mỗi năm với mức tăng trưởng trung bình 4,6%/năm và Thái Lan đang lên kế hoạch tăng khối lượng và mở rộng sang thị trường mới ở A-rập Xê-út thông qua đàm phán liên tục với Riyadh .