Thái Lan đánh giá lại tác động của CPTPP

NDO -

Cục Đàm phán Thương mại Thái Lan ngày 20/9 thông báo, nước này đang tiến hành đánh giá lại những ưu và nhược điểm của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khi Trung Quốc chính thức xin gia nhập khối thương mại này hôm 16/9.

Bà Auramon Supthaweethum - Cục trưởng Đàm phán Thương mại Thái Lan. (Nguồn Nation Thailand)
Bà Auramon Supthaweethum - Cục trưởng Đàm phán Thương mại Thái Lan. (Nguồn Nation Thailand)

Cục trưởng Đàm phán Thương mại Thái Lan, Auramon Supthaweethum, cho biết việc Trung Quốc tham gia vào CPTPP đã khiến quy mô thị trường của CPTPP lớn hơn so với trước đây khi Hiệp định chỉ có 11 nước ký kết bao gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Đồng thời, dân số trong khối Hiệp định cũng mở rộng lên khoảng 1,9 tỷ người, tương đương với 25% dân số thế giới, cùng với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt xấp xỉ 25,3 nghìn tỷ USD hoặc 30%GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, bà Auramon cho rằng CPTPP hiện có quy mô nhỏ hơn so với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 15 thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP hiện là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới bao gồm hơn 2,3 tỷ người hoặc 30% dân số toàn cầu với tổng GDP là 28,5 nghìn tỷ USD hoặc 33,6% GDP toàn cầu.

Mặc dù vậy, bà Auramon khẳng định việc Trung Quốc tham gia hiệp định CPTPP sẽ giúp mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên, đặc biệt là tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực bởi quốc gia này là nguồn nguyên liệu và cơ sở sản xuất quan trọng trong khu vực.

CPTPP được đưa ra vào năm 2019 nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại giữa 11 quốc gia đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở châu Á - Thái Bình Dương, tương đương khoảng 6,7% dân số thế giới, với tổng GDP trị giá 10,5 nghìn tỷ USD, chiếm 13,3% GDP toàn cầu. Hiệp ước này ra đời nhằm thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại tương tự bao gồm Mỹ cho đến khi chính quyền Trump quyết định rút khỏi.

Cục trưởng Đàm phán Thương mại Thái Lan đánh giá, việc tham gia vào Hiệp định CPTPP cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng cải thiện các tiêu chuẩn và quy định của nước này nhằm phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định của các nước thành viên, chẳng hạn như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền lao động, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Việc mở rộng các thành viên CPTPP mới bao gồm Trung Quốc và Anh cũng sẽ làm tăng sức hấp dẫn của CPTPP khiến Thái Lan cần phải đánh giá lại những lợi ích và những tác động sẽ xuất hiện một cách thận trọng. Thái Lan hiện có hiệp định thương mại tự do với 9 thành viên CPTPP là Nhật Bản, Singapore, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Australia, New Zealand, Chile và Peru.