Ngoài thủ đô Bangkok và khu vực lân cận, tất cả những khu vực phát sinh ổ dịch tại các tỉnh: Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala cũng sẽ bị phong tỏa trong vòng một tháng.
Ông Prayut cho biết, Bộ Lao động Thái Lan sẽ chịu trách nhiệm cung cấp lương thực và các khoản trợ cấp cho những công nhân người Thái và người nước ngoài bị cô lập trong các khu nhà ở của họ. Ngoài ra, nhà chức trách cũng sẽ áp dụng một số biện pháp khác như hoãn chương trình tuyển dụng tạm thời trong vòng một tháng cùng một kế hoạch hạn chế di chuyển của người dân. Theo Thủ tướng Thái Lan, các thông tin chi tiết về các biện pháp này sẽ được công bố trong hai ngày tới.
Ông Prayut nói: “Người dân sẽ không được thoải mái lắm trong thời gian này”, nhưng nhấn mạnh Chính phủ sẽ không áp đặt tình trạng giới nghiêm. Đồng thời, sau một tháng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nêu trên, Chính phủ sẽ đánh giá xem chúng có giúp cải thiện tình hình hay không. Thủ tướng Prayut cũng kêu gọi người dân hợp tác với chính phủ trong nỗ lực phòng dịch bằng cách hạn chế di chuyển. Ông nhấn mạnh Chính phủ phải cân nhắc các biện pháp hết sức cẩn thận để khi áp dụng không làm khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn, đồng thời cũng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine.
Quyết định phong tỏa có chọn lọc được CCSA đưa ra để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại hai khu vực đang chịu tác động nặng nề nhất của làn sóng bùng phát dịch thứ ba ở Thái Lan. Số ca mắc Covid-19 trên toàn Thái Lan trong vòng một tuần qua đã tăng rất nhanh với tốc độ trung bình mỗi ngày thêm 3.560 ca. Với việc biến chủng virus Delta hiện đang hoành hành khắp Thái Lan, các ổ dịch mới được phát hiện chủ yếu trong các khu nhà ở của công nhân đã gây thêm căng thẳng cho các cơ sở và nhân viên y tế ở thủ đô, thách thức những nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát dịch thứ ba của Chính phủ Thái Lan.
Cục Kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan trước đó đề xuất chỉ phong tỏa một số điểm ở Bangkok. Đồng thời, cho tạm ngừng các doanh nghiệp hoặc hoạt động “có nguy cơ cao” để kiềm chế lây lan virus. Các quan chức y tế lo ngại rằng, việc phong tỏa toàn bộ có thể làm trầm trọng thêm tình hình.
Người phát ngôn CCSA, Tiến sĩ Apisamai Srirangson nói: “Các quan chức lo ngại rằng khi phong tỏa toàn bộ, các công nhanh sẽ nhanh chóng trở về các tỉnh quê hương của họ và khiến đại dịch lây lan”. Cục này cho rằng, chỉ nên áp dụng việc phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ cao, thí dụ như các khu vực thường xuyên có lao động nhập cư, các khu nhà ở của công nhân, các khu chợ và một số tiểu khu.
Tại thủ đô Bangkok, nơi số giường bệnh chăm sóc tích cực đang trở nên cạn kiệt, đã gây ra nhiều lo ngại và đã có những đề nghị phong tỏa toàn thành phố được đưa ra. Tuy nhiên, nhà chức trách Thái Lan đã bác bỏ ý tưởng này do những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế mà nó gây ra. Đồng thời, Chính phủ Thái Lan cũng lo ngại rằng nếu thủ đô Bangkok bị phong tỏa, các công nhân sẽ tỏa về các tỉnh và có thể mang theo mầm bệnh Covid-19 đi cùng họ.
Bangkok hiện là nơi có khoảng 575 khu nhà, là nơi sinh sống của khoảng 81.000 công nhân xây dựng. Kể từ tháng 5 tới nay, tại các khu nhà ở này đã phát sinh 37 ổ lây nhiễm Covid-19. Còn nếu tính từ khi làn sóng dịch thứ ba bùng phát hồi đầu tháng 4 vừa qua, Bangkok cũng đã phát hiện 107 ổ dịch Covid-19 và ghi nhận 64.977 ca mắc Covid-19.