Thái Lan áp dụng chiến lược điều trị Covid-19 mới

NDO -

Ngày 26/6, Thứ trưởng Y tế Thái Lan Satit Pitutacha cho biết, ngành y tế Thái Lan sẽ áp dụng chiến lược mới trong điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 để đối phó tình trạng thiếu hụt giường bệnh đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Những bệnh nhân Covid-19 nhẹ có thể tự điều trị tại nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên y tế.

Người dân Bangkok tiêm vaccine Covid-19 tại Trung tâm thương mại Central Ladprao. (Ảnh: NAM ĐÔNG)
Người dân Bangkok tiêm vaccine Covid-19 tại Trung tâm thương mại Central Ladprao. (Ảnh: NAM ĐÔNG)

Thái Lan đang gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực kiềm chế sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 thứ ba, với số ca bệnh gia tăng hơn 200.000 ca chỉ trong vòng ba tháng qua. Là tâm điểm của đợt bùng phát dịch lần này, tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở thủ đô Bangkok hiện cũng đạt hơn 1.000 ca mỗi ngày. Trong khi đó, tới thời điểm này mới chỉ có khoảng 25% trong tổng số 7 triệu dân cư trong thành phố được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Và sẽ còn phải rất lâu nữa thì số người được tiêm vaccine Covid-19 ở Bangkok mới đạt mục tiêu 70% dân số và tạo được miễn dịch cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Y tế Thái Lan, tình hình dịch bệnh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do sự thiếu hụt giường bệnh ở thủ đô Bangkok. Vấn đề này cần được giải quyết bằng các hành động nhanh chóng để giảm thiểu số ca nhiễm mới, trong đó có việc ngừng di chuyển các lao động nhập cư, tiến hành các đợt tiêm chủng diện rộng đối với các nhóm đối tượng nhất định, và thiết lập các phòng điều trị tích cực tại các bệnh viện dã chiến.

Ông nói: “Nếu chúng ta có thể triển khai đầy đủ các biện pháp này trong ít nhất hai tuần, chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giảm số ca nhiễm mới. Hơn nữa, chúng ta sẽ triển khai một cách tiếp cận mới, cho phép các ca bệnh nhẹ tự cách ly tại nhà và được theo dõi bằng môt hệ thống giám sát mà chúng tôi đã thiết lập”. Ông cho biết, Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA), do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha làm Chủ tịch, sẽ sớm xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng về việc này.

Đồng thời, hiện Bộ Y tế và các đối tác đang thiết lập 50 giường điều trị tích cực (ICU) dã chiến tại một số bệnh viện như Bệnh viện Đại học Thammasat, Bệnh viện Ramathibodhi, Bệnh viện Vajira và một bệnh viện tư nhân khác, trong vòng bảy ngày. Các nhân viên y tế từ các khu vực khác và các bác sĩ mới tốt nghiệp sẽ được giao phụ trách các ICU này.

Hiện nay, do số lượng ca nhiễm Covid-19 trong tình trạng nguy kịch đang gia tăng, số giường ICU trống ở thủ đô Bangkok chỉ còn chưa tới 20 giường. Sự thiếu hụt giường bệnh cho các bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Bangkok đã buộc Bộ Y tế phải thiết lập các bệnh viện tạm thời ở ngoại ô thành phố để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của số bệnh nhân cần điều trị.

Bộ này dự kiến sẽ lựa chọn các bệnh viện Thanyalak và Rajavithi II ở tỉnh Pathum Thani để giúp chăm sóc các bệnh nhân ở khu vực phía bắc Bangkok. Còn Viện Lão khoa Bang Khun Thian sẽ được phân điều trị cho các bệnh nhân ở phía nam thành phố. Trong khi đó, những bệnh viên khác ở phía đông Bangkok được giao chăm sóc các bệnh nhân sống ở các quận Bang Na và hai quận thuộc tỉnh Samut Prakan là Bang Phli và Bang Bo.

Theo số liệu được CCSA công bố ngày 26/6, chỉ trong một ngày qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 4.161 ca nhiễm và 51 ca tử vong do Covid-19 gây ra. Như vậy, tính từ khi đại dịch bùng phát ở Thái Lan đầu năm 2020 đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 mà nước này ghi nhận được đã lên tới 240.452 ca cùng 1.870 ca tử vong do Covid-19.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư