Hiện nay, tỉnh Thái Bình có 1.164 hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới nhà ở và 942 hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Theo Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đối với nhà xây mới được hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà ở được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ.
Ước tính, kinh phí xây dựng mới một căn nhà có diện tích 30m2 bảo đảm chất lượng theo yêu cầu là 150 triệu đồng; sửa chữa một căn nhà khoảng 75 triệu đồng với tổng kinh phí thực hiện là 245,250 triệu đồng.
Như vậy, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 163 tỷ 500 triệu đồng, trong đó kinh phí xây mới là 116 tỷ 400 triệu đồng và kinh phí sửa chữa là 47 tỷ 100 triệu đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ cho biết, cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành với tỉnh để chung tay giúp đỡ xóa nhà tạm, nhà dột nát. |
Trước đợt phát động này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là đơn vị đi đầu hưởng ứng phong trào. Cụ thể, đã có hơn 30 doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký ủng hộ gần 6 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khẳng định trong thời gian tới cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục có những việc làm cụ thể, thiết thực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nhà mới và cải tạo, sửa chữa nhà đã quá xuống cấp cho người dân nghèo.
Thái Bình hỗ trợ hơn 116 tỷ đồng xây dựng nhà mới cho hộ dân có nhà tạm, nhà dột nát
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết: Đợt thi đua cao điểm “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc và là hoạt động thể hiện trách nhiệm và đạo lý “Thương người như thể thương thân”; thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc cải thiện điều kiện sống, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát kỹ, không để sót đối tượng được hưởng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Đề án của tỉnh. |
Đến thời điểm hiện nay, đã có 103 đơn vị ủng hộ tổng số kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Ngoài Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, còn có một số đơn vị ủng hộ lớn như: Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh ủng hộ khoảng 6 tỷ đồng; Tập đoàn Trường Hải 4 tỷ đồng; Công an tỉnh khoảng 1,2 tỷ đồng…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, địa phương thực hiện việc đa dạng hóa hình thức hỗ trợ: Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu phải hoàn thành được mục tiêu đến tháng 9/2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Các đại biểu tham dự lễ phát động. |
Trước mắt, ngay đầu tháng 12 này, tỉnh Thái Bình chỉ đạo mỗi huyện, thành phố tổ chức khởi công xây dựng 1 ngôi nhà tạo khí thế lan tỏa chủ trương lớn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến toàn thể xã hội và mọi người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát kỹ toàn địa bàn với yêu cầu “3 không” (không sai đối tượng, không bỏ sót đối tượng, không xảy ra đơn thư khiếu kiện trong và sau quá trình thực hiện) và “3 đúng” (đúng thời gian, đúng đối tượng và đúng mục tiêu đề ra).