Chị Trần Thị Huyền, trú ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình cho biết: “Những ngày qua, giá rau tăng đột biến. Hôm qua, gia đình tôi mua 145 nghìn đồng tiền rau mới đủ ăn”. Chị Huyền thông tin cụ thể, tại chợ Đậu nằm trên địa bàn phường Trần Lãm, rau cải có giá từ 40-50 nghìn/kg; một cây cải bắp nhỏ 15 nghìn đồng; rau muống hơn 8 nghìn/mớ… Như vậy, đắt gấp đôi, gấp ba so với trước đây.
Chị Phạm Thị Bích Thủy, trú tại số nhà 98 Hai Bà Trưng (TP Thái Bình) cho hay, tùy từng chợ, nhưng nhìn chung giá rau rất cao, bắp cải 25 nghìn/kg; đỗ cô-ve 30 nghìn/kg; cải thìa 25 nghìn/kg. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, cư trú trên đường Ngô Thì Nhậm (TP Thái Bình) chia sẻ: Bây giờ tiền rau cao tương đương tiền thịt. Trong các trung tâm thương mại, nhất là siêu thị Vincom Thái Bình, giá rau, củ, quả còn đắt hơn ngoài chợ truyền thống rất nhiều. Cụ thể, cà chua chery có giá 96.400 đồng/kg, cà chua bắc 31.500 đồng/kg, xà lách mơ 82.800 đồng/kg, cải xanh 45.700 đồng/kg... Do mức giá quá cao, nên lượng rau, củ, quả ế đọng bởi ít người mua.
Trao đổi với Báo Nhân Dân, ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình lý giải: “Do vào thời vụ trồng thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài, có hộ dân trồng 3, 4 lần không được”. Đây là nguyên nhân chính làm nguồn cung khan hiếm, dẫn đến mặt bằng giá tại các chợ bị đẩy lên ở mức cao.
Qua tìm hiểu thực tế tại các vùng chuyên canh cây rau màu lớn ở tỉnh Thái Bình, như xã Vũ Vân, xã Trung An (huyện Vũ Thư), xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ), nông dân trong thời gian qua đã gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất do mưa triền miên. Đợt mưa trong tháng 9, tháng 10 ảnh hưởng từ hoàn lưu bão đã gây ngập úng hàng chục nghìn ha cây rau màu, cây vụ đông ưa lạnh. Điều này đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho thị trường, dẫn tới giá tăng đột biến.
Hiện nay, thời tiết tương đối thuận lợi, mưa đã ngớt, trời se lạnh rất phù hợp để gieo trồng các giống cây rau màu ngắn ngày. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang vận động nông dân xuống đồng, khẩn trương tổ chức sản xuất, nhanh chóng cơ cấu lại giống và bám sát lịch thời vụ để kịp thời có sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.