Thái Bình đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp

Từ một tỉnh thuần nông được biết đến với tên gọi “quê lúa”, những năm gần đây Thái Bình có bước bứt phá nhanh, mạnh trên lĩnh vực công nghiệp với sự tham gia khá hùng hậu của khối doanh nhân, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình giải quyết thủ tục theo phương châm “5 tại chỗ”.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình giải quyết thủ tục theo phương châm “5 tại chỗ”.

Bằng nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ, coi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh.

Dự án sản xuất chân kết nối Ram máy tính, cáp nối dùng cho máy tính và thiết bị điện tử của Công ty TNHH LOTES Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu kinh tế Thái Bình) có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, vừa khánh thành đi vào hoạt động giai đoạn một. Ông Kung Yung Sheng, Tổng Giám đốc công ty vẫn còn nhớ như in những tình cảm nồng hậu, chân thành và cởi mở của lãnh đạo địa phương dành cho đoàn.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi quyết định chọn Thái Bình để đầu tư xây dựng nhà máy, bởi ấn tượng với cung cách làm việc rõ ràng, minh bạch của tỉnh trong thu hút đầu tư. Tiếp đó là thủ tục hành chính nhanh gọn, tiết giảm được nhiều thời gian cho doanh nghiệp. Ở đây có nguồn nhân lực dồi dào. Sản phẩm chủ yếu được xuất đi các nước bằng tàu biển, trong khi khoảng cách từ Thái Bình đến cảng Hải Phòng chưa đến 40km”.

Đây chỉ là một trong những đánh giá đầy thiện cảm của doanh nghiệp khi lần đầu đến với Thái Bình. Thời gian qua, đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái, thuộc Khu kinh tế Thái Bình. Có được điều này là nhờ sự vào cuộc và đồng hành của tỉnh, tạo nhiều điều kiện và cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững.

Sau hơn hai năm triển khai xây dựng hạ tầng, hiện nay Khu công nghiệp Liên Hà Thái thu hút được sáu dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 721 triệu USD (tương đương khoảng 17 nghìn tỷ đồng) và một dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 230 tỷ đồng. Hiện đã có hai dự án đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Tỉnh Thái Bình đã đưa vào hoạt động Tổ công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tổ công tác gồm 31 thành viên do một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng, hoạt động theo phương châm: tư vấn hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ông Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh Thái Bình (thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình) cho biết:

Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định sau khi dịch Covid-19 tạm lắng. Một trong những việc làm tích cực đó là ra mắt Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo.

Qua trang thông tin này, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành của tỉnh nắm bắt được ý kiến, kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và kịp thời hồi đáp, giải quyết nhanh gọn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Đến nay trên ứng dụng Zalo đã có hơn 4.608 lượt người dân và doanh nghiệp truy cập, đặt câu hỏi về các thủ tục về đầu tư, các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình cũng như các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, Đỗ Văn Vẻ cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi trước sự vào cuộc và đồng hành của tỉnh thông qua những hành động cụ thể.

Trong thời điểm phục hồi sản xuất như hiện nay, doanh nghiệp rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của chính quyền địa phương, nhất là tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách hay như việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Chương trình “Cà-phê Doanh nhân” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh khởi động lại, là điểm hẹn để chính quyền tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã mời khoảng 3.000 doanh nghiệp trực tiếp “chấm điểm” tám huyện, thành phố và 25 sở, ngành thông qua việc lấy phiếu khảo sát, đánh giá.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chia sẻ:

Đây là lần đầu tỉnh thực hiện khảo sát, đánh giá trên diện rộng các cơ quan hành chính. Từ kết quả công bố, hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm các sở, ngành, địa phương không có sự cải thiện, chuyển biến đối với các chỉ số thành phần liên quan đến đơn vị mình.

Thông qua hoạt động này, từng đơn vị, từng huyện, thành phố phải nỗ lực thay đổi chất lượng điều hành, đặc biệt trong các hoạt động giải quyết công việc cho cộng đồng doanh nghiệp.