Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Bình cho biết: Chương trình OCOP đã có những dấu ấn nhất định, bước đầu đạt được kết quả khả quan, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao.
Từ năm 2020 đến năm nay, toàn tỉnh đã có 112 sản phẩm OCOP (có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 64 sản phẩm xếp hạng 3 sao) của 67 cơ sở sản xuất thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn, trong đó có 25 doanh nghiệp, 29 hợp tác xã và 13 hộ kinh doanh.
Chương trình OCOP tại Thái Bình tập trung xây dựng những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của từng địa phương. |
Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20%-30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.
Nhiều sản phẩm OCOP đã vươn ra khỏi địa bàn, chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn ở trong nước như: Bánh cáy, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi và chè lam của Công ty Thiên Đức (huyện Đông Hưng) đạt 4 sao; Trứng và thịt vịt biển của Hợp tác xã Đông Xuyên (huyện Tiền Hải) đạt 4 sao; Mắm cáy Hồng Tiến (huyện Kiến Xương) đạt 4 sao...
Sản phẩm OCOP 3 sao gạo làng Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). |
Để thúc đẩy Chương trình OCOP đi vào thực chất, trong giai đoạn năm 2018-2020 tỉnh Thái Bình đã ban hành cơ chế hỗ trợ mỗi huyện, thành phố 1 tỷ đồng để xây dựng từ 2 sản phẩm đặc thù trở lên của mỗi địa phương.
Từ năm 2021 đến hết nay, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ; tuy nhiên, bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP hằng năm.
Các sản phẩm OCOP được giới thiệu, bày bán tại Chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn". |
Có thể thấy, Chương trình OCOP được triển khai mạnh mẽ là động lực thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm của nhiều vùng, miền khác nhau. Điều này tạo nên áp lực cạnh tranh về sản phẩm giữa các vùng, miền, địa phương nên đòi hỏi các chủ thể có sản phẩm OCOP phải luôn tư duy, đổi mới, sáng tạo cải tiến hoàn thiện hay phát triển mới sản phẩm đáp ứng quy luật thị trường.