Đúng một năm sau khi Tổng thống Mỹ Ð.Trăm ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan vấn đề biên giới giáp Mê-hi-cô, ngày 13-2 vừa qua, lãnh đạo Nhà trắng tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia một năm nữa, để có toàn quyền điều chỉnh nguồn ngân sách, vốn được phân bố cho các mục đích khác của Bộ Quốc phòng, nhằm ưu tiên xây dựng bức tường dọc biên giới phía nam. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử vào Nhà trắng năm 2016, Tổng thống Ð.Trăm từng cam kết xây dựng bức tường dài 3.200 km tại biên giới giáp Mê-hi-cô, nhằm ngăn chặn dòng người di cư đổ về Mỹ. Kể từ năm 2014, Mê-hi-cô và Mỹ phải đối mặt sự gia tăng nhanh chóng của dòng người di cư trái phép từ Tam giác Bắc Trung Mỹ, gồm ba nước En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la và On-đu-rát.
Cũng trong tháng 2-2020, Lầu năm góc chuyển thêm 3,8 tỷ USD từ ngân sách được dự kiến dành cho việc mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cho các lực lượng quân sự Mỹ, để xây thêm 285 km tường bằng thép và vật liệu kiên cố tại biên giới với Mê-hi-cô. Với số tiền 3,8 tỷ USD, trong hai năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 9,9 tỷ USD để xây bức tường, song con số này vẫn chưa đạt tới 25 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đưa ra và tìm cách thuyết phục Quốc hội thông qua, nhưng liên tiếp bị từ chối.
Ðể tránh nguy cơ bị chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa của Mê-hi-cô, tháng 6-2019, Tổng thống Mê-hi-cô L.Ô-bra-đô đồng ý đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư, trong đó có tăng cường lực lượng vệ binh quốc gia tới biên giới, cho phép người di cư trong thời gian chờ kết quả xét duyệt nhập cư vào Mỹ được ở lại Mê-hi-cô. Chính phủ Mê-hi-cô chi hơn 21 triệu USD để nâng cấp 15 cơ sở tạm giữ người di cư, xây hai khu vực tạm trú tại biên giới giáp Mỹ với các dịch vụ cơ bản, như chăm sóc y tế và giáo dục cho người di cư.
Giới chức Mê-hi-cô cho biết, số người nhập cư trái phép bị bắt giữ tại biên giới giáp Mỹ đã giảm mạnh, từ hơn 58 nghìn người trong tháng 1-2019, xuống chưa tới 37 nghìn người trong tháng 1-2020. Chính quyền Mỹ tuyên bố ghi nhận nỗ lực của Mê-hi-cô trong việc ngăn chặn dòng người di cư, song không vì thế mà Oa-sinh-tơn nới lỏng các quy định về nhập cư. Tòa án Tối cao Mỹ cho phép chính quyền Tổng thống Ð.Trăm có quyền từ chối đơn xin nhập cư của người di cư, nếu những người này tới được biên giới phía nam nước Mỹ mà không nỗ lực xin tị nạn tại một trong những quốc gia đã đi qua. Với việc các quan chức Mỹ tiếp tục giới hạn số lượng người di cư được sàng lọc hằng ngày để cấp quy chế nhập cư, hàng chục nghìn người di cư vẫn đối mặt nhiều nguy hiểm tiềm ẩn tại các thành phố biên giới Mê-hi-cô. Một tổ chức phi chính phủ về quyền con người ghi nhận, trong tháng 1-2020, hơn 800 người di cư bị đưa trở lại Mê-hi-cô từng là nạn nhân của các vụ bắt cóc, tra tấn và tiến công bạo lực.
Theo Bộ Ngoại giao Mê-hi-cô, tháng 1-2020, nước này chỉ tiếp nhận khoảng hai nghìn người di cư trong chương trình “Ở lại Mê-hi-cô”, giảm mạnh từ con số 12 nghìn người trong tháng 8-2019. Chính sách cứng rắn từ phía Mỹ, cùng điều kiện sống không được bảo đảm tại các trại tị nạn dọc biên giới, khiến nhiều người di cư “vỡ mộng”. Phần lớn những người này chọn con đường quay trở lại nơi xuất phát.
Năm 2019, kinh tế Mê-hi-cô lần đầu trong 10 năm qua tăng trưởng âm. Chính phủ Mê-hi-cô đang gặp không ít thách thức khi vừa phải tìm cách vực dậy nền kinh tế, vừa đối mặt các vấn đề cấp bách về an ninh quốc gia, an sinh xã hội, liên quan người di cư, dù có xu hướng giảm, vẫn không ngừng tiến về phía bắc để đi tìm “miền đất hứa”.