Hội nghị cấp cao bất thường của AU được tổ chức trong bối cảnh châu lục này đang phải đương đầu với nguy cơ khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn do những tác động về kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19 và những thảm họa tự nhiên, xung đột vũ trang. Tổng thống Senegal Macky Sall, hiện đang là Chủ tịch luân phiên của AU, trong phát biểu tại hội nghị nhấn mạnh rằng, “số phận của hàng triệu người di cư, tha hương đòi hỏi một quá trình phát triển bao trùm, tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng xã hội”.
Ông kêu gọi “đại gia đình AU” cần chủ động ứng phó các thảm họa nhân đạo, kêu gọi triển khai huy động hỗ trợ các chiến dịch củng cố các nguồn lực cho Chương trình năng lực quản trị rủi ro châu phi (ARC) để có thể ứng phó hiệu quả hơn với các tình huống khẩn cấp do thảm họa thiên nhiên gây ra.
Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cũng nhấn mạnh “vai trò của hành động tập thể” nhằm ứng phó các tình huống khẩn cấp về nhân đạo tại châu Phi. Ông cho biết, các tình huống khẩn cấp về nhân đạo xảy ra nhiều, đa dạng và dàn trải trên toàn châu lục, trong đó khoảng 15 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với khoảng 113 triệu dân, đang đợi được hỗ trợ khẩn cấp trong năm 2022.
Theo Chủ tịch Ủy ban AU, “bức tranh nhân đạo” tại châu Phi thậm chí sẽ còn tối hơn vì hai yếu tố - một là đại dịch Covid-19 khiến các nỗ lực ổn định người di cư trở nên kém hiệu quả và hai là biến đổi khí hậu dẫn đến những ảnh hưởng ngày càng trầm trọng, từ hạn hán kéo dài cho đến lũ lụt vượt kiểm soát.
Ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị nêu trên của AU, từ miền nam Ethiopia tới miền bắc Kenya và Somalia, các vùng đất ở vùng Sừng châu Phi đã hứng chịu nạn hạn hán mà theo đánh giá của Liên hợp quốc là nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, khiến 20 triệu người ở khu vực này có nguy cơ lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cho biết, số người đói ăn do hạn hán tại vùng này có thể tăng từ ước tính 14 triệu người hiện nay lên 20 triệu người đến hết năm 2022.
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bà Catherine Russell cho biết, 10 triệu trẻ em ở Djibouti, Ethiopia, Kenya và Somalia đang rất cần được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu. Bà Russells nêu rõ tổng cộng 1,7 triệu trẻ em ở vùng Sừng châu Phi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Theo bà, thiếu nước sạch là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, trong khi hàng trăm nghìn em phải bỏ học, nhiều em trong số này phải đi bộ đường dài để tìm nước và thức ăn.
Theo các chuyên gia, ngoài thiên tai, dịch bệnh, tình hình nguy cấp tại vùng Sừng châu Phi càng trở nên trầm trọng do cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm các khoản viện trợ quốc tế cho khu vực này. Để giảm bớt gánh nặng nghèo đói cho châu Phi, thời gian qua Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đã tăng trưởng viện trợ cho các quốc gia thuộc châu lục.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), ông Akinwumi Adesina mới đây cho biết, ngân hàng này đã dành tổng cộng 1,5 tỷ USD viện trợ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi. Theo AfDB, kế hoạch này sẽ mang lại lợi ích cho 20 triệu nông dân châu Phi, những người sẽ nhận được các loại hạt giống tốt và công nghệ phù hợp để nhanh chóng sản xuất 38 triệu tấn thực phẩm.
Tuy nhiên, thách thức nghèo đói và thảm họa nhân đạo vẫn nghiêm trọng với các quốc gia châu Phi trong bối cảnh triển vọng kinh tế của khu vực này vẫn u ám. Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế châu Phi 2022" mà AfDB vừa công bố, châu Phi có nguy cơ rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và giá nhiên liệu, lương thực tăng liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.
Năm 2021, châu Phi chứng kiến kinh tế phục hồi, với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến ở mức 6,9%, nhưng AfDB dự báo tăng trưởng GDP thực của khu vực sẽ giảm xuống 4,1% trong năm nay, trong khi tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên tới 13,5% so với mức 13% năm 2021. Cũng theo AfDB, tỷ lệ nợ tính trên GDP của châu Phi năm nay là vào khoảng 70%, cao hơn so với mức trước đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh nêu trên, Hội nghị cấp cao bất thường của AU về nhân đạo kêu gọi các nước phải “hành động ngay để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo”. Thông qua hội nghị này, AU thể hiện quyết tâm tiếp tục thực hiện các nỗ lực nhằm ổn định người di cư, người tha hương và những nhóm chịu ảnh hưởng khác. Tuy nhiên, chỉ với nỗ lực “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của các thành viên AU là chưa đủ để ngăn chặn các thảm họa nhân đạo tại “lục địa đen”. Không chỉ AU mà Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế cũng cần hành động ngay để giúp các nước châu Phi sớm thoát khỏi đói nghèo.