Thách thức lớn với các nền kinh tế Đông Nam Á

Cơn bão lạm phát tiếp tục diễn ra nghiêm trọng tại các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á và đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
  • Tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, tỷ lệ lạm phát sáu tháng đầu năm nay đã lên mức 4,35% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ nhanh nhất trong 5 năm qua và vượt xa mục tiêu nước này đặt ra là 2-4%. Chính phủ Indonesia đã phải áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ từ cuối tháng 4, trong bối cảnh nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu ăn và giá cả leo thang.

Tại một số thành phố, người dân phải đợi nhiều giờ trước trung tâm phân phối để mua được hàng hóa thiết yếu được trợ giá. Giá cả tăng cao cũng khiến Quốc hội Indonesia tháng 5 vừa qua đã phải thông qua yêu cầu của Chính phủ về việc tăng trợ cấp năng lượng 23,8 tỷ USD để bình ổn giá năng lượng.

Trong khi đó, ở Philippines, nửa đầu năm 2022, lạm phát ghi nhận ở mức 4,4%, cao hơn mức mục tiêu 2-4% đề ra. Riêng tháng 6, nước này ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong gần bốn năm qua là 6,1%. Chính phủ Philippines cho biết đang tìm cách thực hiện các thỏa thuận nhập khẩu với một số nhà cung cấp phân bón lớn nhất thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, để giúp hạ giá thành và tăng sản lượng lương thực trong bối cảnh lạm phát cao.

Các quan chức ngành nông nghiệp cảnh báo giá gạo trong nước, vốn là lương thực chính của nước này, sẽ tăng trong những tháng tới. Nguyên nhân một phần là do chi phí phân bón tăng cao, nguồn cung bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như chi phí của một số mặt hàng thực phẩm tăng cao.

Một nền kinh tế lớn khác của Đông Nam Á là Malaysia cũng ghi nhận lạm phát tăng mạnh. Tỷ lệ lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng, đã tăng 3,4% trong tháng 6 so với một năm trước, chủ yếu do giá thực phẩm tăng cao. Số liệu mới nhất của Cục Thống kê Malaysia (DOSM) cho biết mức tăng nêu trên đã vượt quá mức lạm phát trung bình 1,9% trong giai đoạn từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2022.

Theo DOSM, chỉ số giá lương thực tăng 6,1% và vẫn là yếu tố chính góp phần khiến lạm phát tăng trong tháng 6. Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob trong phát biểu mới đây khẳng định, chính phủ sẽ tìm cách thức và biện pháp nhằm giải quyết tình trạng giá cả hàng hóa gia tăng. Ông cho hay hiện Chính phủ Malaysia đang trợ cấp 17,6 tỷ USD nhằm ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu gồm gà, trứng, dầu ăn, nước, xăng dầu và điện.

Singapore, quốc gia láng giềng của Malaysia cũng ghi nhận lạm phát tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế giảm. Ngân hàng trung ương nước này cho biết, lạm phát cơ bản tại “Quốc đảo sư tử” đã lên mức đáng lo ngại vào tháng 5, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 13 năm qua.

Trong khi đó, quý I năm nay, tăng trưởng sản xuất của Singapore đã giảm liên tiếp trong ba tháng liền, chủ yếu do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá cả tăng cao và làm gián đoạn nguồn cung năng lượng và kim loại công nghiệp trên toàn thế giới. Nhà kinh tế Barnabas Gan của Ngân hàng UOB dự kiến tăng trưởng sản xuất cả năm 2022 của Singapore là 4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,2% của năm 2021 và 7,5% năm 2020.

Tại Thái Lan, áp lực từ lạm phát cũng đã tăng lên trong thời gian qua, với tỷ lệ lạm phát toàn phần chạm mức 7,61% trong tháng 7, gần bằng mức cao nhất trong 14 năm ghi nhận trong tháng 6 là 7,66%. Điều này đã buộc Bộ Thương mại Thái Lan phải nâng dự báo lạm phát trung bình năm 2022 lên 5,5-6,5%, từ mức 4-5% đưa ra trước đó, trong khi Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) duy trì dự báo lạm phát hằng năm ở mức 6,2%. Đầu tháng 8, BoT đã tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau gần bốn năm để chống lạm phát, trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Lạm phát đang trở thành thách thức kinh tế lớn nhất trong năm 2022 với các nền kinh tế Đông Nam Á. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá lương thực toàn cầu năm nay sẽ tăng 22,8%. Các nhà nghiên cứu tại Fitch Solutions nhận định giá dầu Brent năm nay sẽ đạt mức trung bình 105 USD/thùng và “bóng ma suy thoái” tiếp tục đe dọa kinh tế toàn cầu… Trong bối cảnh nêu trên, con đường phục hồi phía trước của các nền kinh tế Đông Nam Á đang phải đối mặt nhiều chông gai. Thời gian tới, các nước trong khu vực có thể buộc phải tăng chi tiêu để giảm tác động tiêu cực của lạm phát, khiến thâm hụt ngân sách và nguy cơ mất cân đối vĩ mô càng gia tăng.