Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, khu vực Mỹ Latin và Caribe đang đối mặt cùng lúc nạn đói và béo phì ở mức đáng báo động. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo, đường, natri…, những thành phần mà nếu hấp thụ số lượng lớn sẽ gây hại sức khỏe.
Tuy vậy, loại thực phẩm này lại ngày càng được phổ biến rộng rãi và được tiêu thụ nhiều hơn. Theo thống kê của FAO, chỉ riêng ở Nam Mỹ có 68 triệu người trưởng thành béo phì, yếu tố góp phần gây ra các bệnh như tiểu đường và ung thư, vốn là nguyên nhân chính gây tử vong ở Mỹ Latin.
Với khoảng 1,5 triệu người dân đang đối mặt nạn đói, trong khi 8,6 triệu người khác bị béo phì, Bolivia là một trong những nước có các nguy cơ nghiêm trọng nhất liên quan đến sức khỏe toàn dân. Tỷ lệ dân số béo phì tại Bolivia là 28%, trong khi mức trung bình ở khu vực là 23%.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân chính của tình trạng mất an ninh lương thực ở Bolivia là do mức thu nhập thấp của người dân. Các chế độ dinh dưỡng lành mạnh thường tốn kém hơn và những gia đình nghèo thường chọn mua thực phẩm chế biến sẵn giá rẻ, dù biết rằng hàm lượng dinh dưỡng ở các loại thực phẩm này thấp hơn.
Theo FAO, đại dịch đã tác động trực diện tới thu nhập của người dân, khiến hàng triệu người ở Mỹ Latin và Caribe mất việc làm, dẫn tới phải chuyển sang tiêu thụ thực phẩm giá rẻ.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, các quốc gia Mỹ Latin và Caribe đối mặt nguy cơ cao về bất ổn xã hội do tác động của đại dịch đối với nền kinh tế vốn đã trì trệ và phải bảo đảm tăng trưởng có tính đến yếu tố bất bình đẳng.
IMF nhận định, với lịch bầu cử tại nhiều quốc gia trong khu vực trong năm nay như ở Costa Rica, Colombia và Brazil, bất ổn xã hội vẫn là một nguy cơ lớn và bất bình đẳng cần sớm được giải quyết.
IMF cho rằng, động lực tăng trưởng tại khu vực Mỹ Latin và Caribe đang giảm dần và cần có những cải cách kịp thời để giữ được đà tăng. Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực Mỹ Latin và Caribe từ 3% xuống 2,4%.
Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin (CEPAL), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ Latin trong năm 2020 giảm tới 7,7% và sau đó phục hồi về mức tăng trưởng 3,7% trong năm 2021. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp xã hội tại Mỹ Latin đã giảm gần một nửa, từ 89 tỷ USD năm 2020 xuống chỉ còn hơn 45 tỷ USD năm 2021.
Theo ước tính của CEPAL, khoảng 86 triệu người dân khu vực này đang đối mặt tình trạng nghèo cùng cực sau hai năm chật vật trước đại dịch, đẩy Mỹ Latin tụt hậu gần 30 năm trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) nhấn mạnh, thế giới có thể phục hồi hay không và tốc độ phục hồi sẽ nhanh hay chậm phụ thuộc vào hành động của các nước ngay ở thời điểm này.
Người đứng đầu tổ chức hợp tác đa phương lớn nhất hành tinh một lần nữa đề cập đến tình trạng bất bình đẳng, nhất là trong tiếp cận vắc-xin khi một loạt nước đang đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế thì vẫn có nhiều quốc gia “ngập” trong nợ nần và loay hoay tìm cách bao phủ vắc-xin.
Chiến dịch tiêm chủng diện rộng được triển khai tại nhiều nước Mỹ Latin và đã chứng minh hiệu quả tại các nước có tỷ lệ người trưởng thành được tiêm ngừa cao như Chile, Bolivia, Peru… Trong khi đó, Honduras, Guatemala dường như đang bị tụt lại trong tiến trình tiêm chủng. Mới chỉ có 0,9% dân số Haiti, quốc gia nghèo nhất châu Mỹ được tiêm ngừa đầy đủ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc tiếp tục nhấn mạnh thông điệp cần đặt con người ở vị trí trung tâm trong tiến trình phục hồi sau đại dịch.
Thế giới cần hướng tới tiến trình phục hồi xanh và ưu tiên cho con người thông qua việc bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ con người trước bất cứ cú sốc hay môi trường chuyển tiếp nào, nhất là trong bối cảnh đại dịch ngày càng kéo giãn khoảng cách giàu nghèo và làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.