Tăng trưởng kinh tế của Anh đã bắt đầu “lao dốc” và thấp hơn dự kiến trong tháng 7/2022. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, giá điện tăng 54% trong 12 tháng tính đến tháng 7/2022. Sản xuất công nghiệp tại Anh trong tháng 7 giảm 0,3% và xây dựng giảm 0,8%, một phần do thời tiết nắng nóng cũng như giá nguyên vật liệu tăng vọt vì lạm phát leo thang.
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu nhiên liệu đạt mức cao kỷ lục là 11 tỷ bảng Anh (12,8 tỷ USD) trong tháng 7/2022 và chiếm 21% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu.
Một dấu hiệu khác về khó khăn của kinh tế Anh là thị trường trái phiếu và chứng khoán trượt dốc mạnh trong tháng 8 và đồng bảng Anh cũng lao dốc do đang chịu nhiều sức ép từ những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Vừa qua, thị trường tài chính Anh biến động mạnh sau khi tân Thủ tướng nước này Liz Truss tuyên bố thúc đẩy các kế hoạch cắt giảm và cải cách thuế nhằm kiềm chế giá năng lượng leo thang.
Theo đó, trên thị trường trái phiếu, lãi suất vay kỳ hạn 10 năm của Anh tăng hơn 3% vào ngày 6/9, lần đầu kể từ năm 2014. Trước những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, đồng bảng Anh đã mất hơn 6% giá trị so với đồng USD kể từ đầu tháng 8 vừa qua.
Giới phân tích quan ngại rằng, cùng với giá năng lượng và lạm phát gia tăng, các thách thức tài chính nói riêng, kinh tế nói chung của Vương quốc Anh còn nghiêm trọng hơn trong giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023. Ông Shreyas Gopal, nhà chiến lược tiền tệ tại Deutsche Bank, cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ tương tự những năm 1970, khi Anh phải cần đến một gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ông Gopal cho rằng, niềm tin của nhà đầu tư nếu tiếp tục bị xói mòn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, ảnh hưởng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thời tiết cực đoan trong mùa hè năm 2022 đã “thêm dầu vào lửa” khiến cho khó khăn kinh tế của nước Anh trở nên nghiêm trọng hơn. Anh ghi nhận ngày nóng kỷ lục vào giữa tháng 7 khi một ngôi làng tại East Midlands của vùng England có nhiệt độ lên tới 40,3oC, phá vỡ kỷ lục trước đó là 38,7oC.
Trong thời tiết khô nóng gay gắt, cháy rừng đã bùng phát tại nhiều khu vực, tiêu thụ năng lượng gia tăng. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng tại Anh phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn do nắng nóng, trong bối cảnh các tuyến đường sắt được xây dựng từ thời Nữ hoàng Victoria không được thiết kế để chống chịu nhiệt độ cao. Sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn do thiếu nước.
Vào giữa tháng 8 vừa qua, nhà chức trách đã chính thức tuyên bố tình trạng hạn hán trên khắp vùng England rộng lớn, đồng thời hạn chế sử dụng nước tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi nắng nóng và khô hạn…
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa dự báo rằng Anh sẽ rơi vào suy thoái kinh tế cuối năm 2022 và không thoát khỏi tình trạng này cho đến đầu năm 2024. BoE dự kiến sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào ngày 22/9 nhằm ứng phó lạm phát tăng hơn 10%. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng dự báo cuộc suy thoái của kinh tế Anh có thể bắt đầu vào quý IV/2022 và cho rằng nền kinh tế Anh sẽ giảm 0,6% vào năm 2023.
Lạm phát sẽ vẫn là “căn bệnh nghiêm trọng” với nền kinh tế Anh thời gian tới. Giới chức Anh cho biết, các hóa đơn năng lượng của Anh sẽ tăng 80%, lên mức trung bình 3.549 bảng Anh một năm kể từ tháng 10 tới. Ngân hàng Citibank (Mỹ) dự báo lạm phát của Anh sẽ tăng vọt lên mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ là 18,6% vào tháng 1/2023.
Những thách thức kinh tế nêu trên sẽ là “lửa thử vàng” với chính phủ mới của Thủ tướng Anh Liz Truss. Các nhà phân tích lo ngại nếu bà Truss và các cộng sự không thể chèo lái “con thuyền kinh tế” Anh vượt qua khủng hoảng, rất có thể sóng gió sẽ lại nổi trên chính trường Anh.