Hội nghị cấp cao AU diễn ra trong bối cảnh châu Phi tiếp tục đối mặt hàng loạt thách thức lớn như đại dịch Covid-19, các cuộc khủng hoảng dẫn tới các cuộc chính biến, xung đột gây bất ổn tình hình tại nhiều quốc gia trong khu vực. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh tại châu Phi. Ông Mahamat cho rằng, an ninh châu lục đứng trước những thách thức từ chủ nghĩa khủng bố và sự trỗi dậy nguy hiểm của làn sóng thay đổi chính phủ một cách vi hiến. Giới chức cấp cao của AU cho biết, AU đã lên án làn sóng đảo chính gần đây khiến nhiều quốc gia thành viên của khối bị đình chỉ tư cách thành viên.
Kể từ giữa năm 2021, có bốn quốc gia thành viên AU bị Hội đồng An ninh và Hòa bình của AU đình chỉ tư cách thành viên do thay đổi chính phủ một cách vi hiến. Lần đầu trong lịch sử của AU, chỉ trong vòng 12 tháng có bốn quốc gia bị đình chỉ tư cách thành viên của khối, gồm Mali, Guinea, Sudan và Burkina Faso. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat lên án sự gia tăng đáng lo ngại các cuộc chính biến như vậy. Tại Mali, quốc gia vốn được coi là một “điểm nóng” ở Tây Phi, lún sâu vào khủng hoảng sau một thập kỷ xung đột bùng phát mà vẫn chưa tìm được giải pháp. Tình trạng mất an ninh gia tăng, tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi và quốc gia này dường như bị cuốn vào một chu kỳ bất ổn không có hồi kết. Ước tính sẽ có hơn 1,8 triệu người ở Mali cần hỗ trợ lương thực trong năm 2022, tăng mạnh so với 1,3 triệu người trong năm ngoái. Đây là tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất ở quốc gia châu Phi này kể từ năm 2014.
Trong khi đó, an ninh Mali gắn liền với sự ổn định của khu vực. Pháp cùng các đồng minh châu Âu đã triển khai lực lượng tại Mali nhằm hỗ trợ các binh sĩ nước này đối phó lực lượng nổi dậy cũng như giúp lực lượng ở khu vực Sahel chống khủng bố từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc chính quyền quân sự ở Mali kéo dài quá trình chuyển tiếp đang khiến tình hình ở nước này trở nên mất kiểm soát. Pháp cho biết sẽ cùng các nước đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) xem xét lại sự hiện diện của binh sĩ các nước này tại Mali. Lực lượng đặc nhiệm Takuba của châu Âu chống thánh chiến ở khu vực Sahel được thành lập hồi tháng 3/2020, sau khi Pháp rút lực lượng Barkhane tại Mali. Ngoài Pháp là quốc gia dẫn đầu, lực lượng Takuba còn bao gồm các binh sĩ của Hà Lan, Estonia, Thụy Điển, Bỉ, CH Séc, Na Uy, Bồ Đào Nha, Italia và Hungary. Thêm vào đó, bất ổn ở các nước như Sudan, Burkina Faso, Guinea cũng đặt lực lượng quốc tế ở khu vực trước những thách thức an ninh khi tình hình trở nên rối ren và khó kiểm soát.
Bất đồng chính trị, mâu thuẫn phe phái, đói nghèo là nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc xung đột kéo dài ở châu Phi. Các nhà lãnh đạo châu Phi nhận định, tình hình an ninh châu lục đòi hỏi cách tiếp cận mới về cấu trúc hòa bình và an ninh, cũng như mối tương quan với các nhân tố gây bất ổn mới. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý rằng, sự bất bình đẳng đã ăn sâu vào hệ thống toàn cầu và châu Phi đang phải gánh chịu những hệ quả đó. Ông nhấn mạnh, chính sự bất bình đẳng đã làm trầm trọng hơn tình trạng xung đột vũ trang, căng thẳng chính trị, kinh tế, sắc tộc và xã hội, bạo lực đối với phụ nữ, chủ nghĩa khủng bố và các cuộc đảo chính quân sự tại châu Phi. Vòng luẩn quẩn đói nghèo, xung đột đeo bám châu Phi và khi chưa thể tìm ra giải pháp toàn diện giúp giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề nảy sinh thì “lục địa đen” tiếp tục phải đối mặt những thách thức an ninh đe dọa sự ổn định của khu vực.