"Tết thợ mỏ" năm 2024 được tổ chức ở sáu vùng

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam cho biết, chương trình "Tết Thợ mỏ" năm 2024 sẽ được tổ chức tại sáu vùng.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, riêng địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức tại ba vùng gồm: Cẩm Phả (tại Công ty Than Thống Nhất), Hạ Long (tại Nhà thi đấu Công ty cổ phần Than Núi Béo), Uông Bí-Ðông Triều (tại khu tập thể Trưng Vương, Công ty Than Uông Bí), ba vùng còn lại là: Thái Nguyên (tại Khách sạn Thái Nguyên, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc), Tây Bắc (tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai, Tổng công ty Khoáng sản), Tây Nguyên (tại Công ty Nhôm Ðắk Nông).

Với phương châm "Tất cả người lao động đều có Tết", chương trình "Tết Thợ mỏ" năm 2024 sẽ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tặng quà Tết, hỗ trợ cho 3.000 lao động với mức chi tiền mặt 2 triệu đồng/người và túi quà 500 nghìn đồng/túi; tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết người lao động có thành tích đặc biệt xuất sắc, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ vé tàu xe Tết cho người lao động các đơn vị khối lộ thiên, khoáng sản, cơ khí, sàng tuyển, phục vụ, dịch vụ; trao nhà ở Mái ấm Công đoàn 2024 cho công nhân lao động tại các địa điểm tổ chức "Tết Thợ mỏ"; hỗ trợ tiền Tết Nguyên đán cho một số đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nguồn chi cho các hoạt động trên lấy từ Quỹ phúc lợi của Than-Khoáng sản Việt Nam dự kiến khoảng 7 tỷ đồng và kinh phí của Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam dự kiến khoảng 2,1 tỷ đồng.

Thái Bình đạt mức tăng trưởng kinh tế ổn định

Cục Thống kê tỉnh Thái Bình cho biết, theo số liệu công bố ước tính của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 xếp thứ 20 cả nước, thứ 7/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh đạt mức 7,37%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có sự phát triển vượt bậc, đạt gần 3 tỷ USD; tỷ lệ giải ngân đầu tư công thuộc nhóm đầu cả nước, đạt gần 6.300 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Thu ngân sách nội địa ước đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 69.240 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp Hải Phòng tăng 11,82%

Theo Cục Thống kê thành phố Hải Phòng, tính đến hết năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố đạt giá trị tăng thêm 11,82% so với năm 2022, đóng góp 5,98 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của kinh tế Hải Phòng.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Phòng đạt mức 10,34% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ năm cả nước và đứng thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng. Ðặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế với mức tăng 12,34%, đóng góp 5,88 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 2,32%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ đạt 10,02%, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Cơ cấu nền kinh tế năm 2023 trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa với tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 3,4%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 53,34%; khu vực dịch vụ chiếm 37,76%.

Hải Dương phục hồi sản xuất

Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý IV/2023 có bước phục hồi mạnh so với ba quý đầu năm, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tháng 12/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong năm 2023.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực của tỉnh từ tháng 8 đến hết năm tăng liên tục, tháng sau cao hơn tháng trước, tháng 12 tăng 11,9%; trong đó, sản xuất xe có động cơ tăng 20,6%, sản xuất và phân phối điện tăng 16,4%, chế biến thực phẩm tăng 9,6%, sản xuất sản phẩm điện tử tăng 4,6%, sản xuất kim loại tăng 4,4%...

Tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Hải Dương tăng 8,3% so với năm 2022.

Mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn ở Bắc Ninh cao nhất là 390 triệu đồng

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, đã có 576 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo tình hình tiền lương năm 2023, kế hoạch thưởng Tết năm 2024. Bình quân tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn của các doanh nghiệp là 6,71 triệu đồng/người; cao nhất vẫn nằm trong khối doanh nghiệp FDI là 390 triệu đồng (cao hơn Tết năm trước 10 triệu đồng).

Có 343 doanh nghiệp trong tổng số 576 doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết Dương lịch cho người lao động, chiếm 59,55%. Mức thưởng Tết Dương lịch bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 1,03 triệu đồng/người, cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp ngoài nhà nước với mức 80 triệu đồng.

Trong năm 2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, tránh xảy ra tranh chấp lao động, đình công.