Vượt qua sóng gió
14 giờ ngày 24-1, sau ba tiếng còi, con tàu mang số hiệu HQ 624 bắt đầu nhổ neo vượt qua ba kilômét sông Dinh tiến ra biển đông theo hướng Tây Nam về vùng bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK 1/10. Trước khi tàu xuất phát, các chiến sĩ đội tàu HQ 624 đã chuẩn bị kỹ lượng nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho chuyến đi. Ngoài những gói quà tết của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Vùng II Hải quân, chính quyền và nhân dân địa phương, trong chuyến đi này còn có cây mai vàng, cành đào phai mang hương sắc mùa xuân ở đất liền cùng với 60 con gia cầm, một con lợn, 350 quả trứng, gần 10 kg thịt lợn, 200 lá dong để các chiến sĩ nhà giàn đón Tết sớm.
Với riêng cá nhân tôi, đây là lần đầu tiên được đi tàu ra biển, vì vậy ngoài sự hồi hộp một lần vượt trùng dương và được một lần đặt chân lên nhà giàn, xen lẫn là tình cảm của người con đất liền dành cho những chiến sĩ nơi đầu sóng. Ai cũng muốn tàu đi nhanh hơn, đến sớm hơn để được chia sẻ những buồn vui, mang chút tình cảm nơi đất liền đến với các đồng chí, đồng đội trên nhà giàn đã không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm canh giữ vùng biên cương thiêng liêng của tổ quốc.
Sắp xếp xong hành lý, nhận giường ngủ, tất cả mọi người đều ra mạn tàu ngắm cảnh biển lúc rạng đông. Gió thổi nhè nhẹ, nắng vàng chiếu lên đầu những con sóng nhỏ, trông như bức tranh sơn dầu với chỉ một gam màu da cam mà một hoạ sĩ nào lỡ tay đánh rơi. Vượt qua sóng cả, tàu HQ 624 vẫn tiếp tục cuộc hành trình theo hướng Tây Nam.
Chiều tối, điều mà chúng tôi không muốn đã tới. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, sóng lớn dần. Gió thổi ù ù. Những con sóng bạc đầu cao 3-4 mét vỗ ầm ầm vào mạn, tung bọt trắng xóa khiến tàu HQ 624 có chiều dài gần 60 m, cao 21 m, rộng gần chín mét chao đảo, khi chồm lên lúc hạ xuống như con ngựa bất kham tung vó giữa biển đông. Mọi người mệt lả, hụt hẫng vì khi nằm, đứng, ngồi đều phải lắc lư theo từng nhịp. Nhiều người say sóng không nuốt nổi cơm, đa phần phải nằm yên trên giường để “chống” lại sóng.
“Nghệ thuật” lên nhà giàn
Sau hai ngày đêm tàu HQ 624 tới nhà gian DK 1/10. Từ xa, nhà giàn trông như một pháo đài giữa biển Đông. Nhìn lá cờ tổ quốc tung bay phấp phới trên nóc nhà giàn giữa vùng biển quê hương, lòng tôi như ấm lại. Đã qua hai mươi năm, nhà giàn DK 1/10 chứng kiến biết bao kỷ niệm, có anh em chiến sĩ sau thời gian công tác sáu tháng hay một năm nay đã chuyển đi đơn vị khác. Nhưng cũng có anh em gắn bó nhiều năm với nhà gian và ăn tết nhiều lần trên biển.
Cách nhà giàn khoảng một hải lý, tàu thả leo, đứng trên tàu nhìn thấy anh em trên nhà giàn vẫy tay chào chúng tôi như quên hết mệt mỏi, có người rơm rớm nước mắt. Với chiến sĩ nơi nhà giàn, được gặp người đất liền ra, là một niềm vui lớn, sự khao khát mong đợi. Tại DK1/10 nói riêng và cụm nhà giàn nói chung, một năm các anh em chỉ được gặp đồng chí, đồng đội trong đất liền ra thăm hỏi, động viên, chia sẻ, tiếp tế lương thực, thực phẩm nước sinh hoạt vài ba lần. Tuy nhiên để lên được nhà giàn với thời tiết có sóng to, gió lớn lại là vấn đề không dễ dàng gì.
Để bảo đảm an toàn, đồng chí Đại tá Phó Chính ủy vùng II Hải quân Trương Công Thế chỉ cho phép một số chiến sĩ, phóng viên báo chí lên xuồng vào nhà giàn từng tốp một. Rất may trong số đó có tôi, mặc dù rất vui, nhưng nhìn những con sóng cao vài ba mét ầm ầm vỗ vào mạn thuyền, đôi lúc cũng hoang mang.
Những bông hoa tươi thắm gửi từ
đất liền tới những chiến sĩ nơi nhà giàn.
Chiếc xuồng nhỏ được cẩu từ trên tàu lớn xuống biển, mỗi người lần lượt mặc áo phao, bám vào mạn tàu lựa nhịp sóng nhảy xuống xuồng. Việc xuống xuồng lúc sóng to gió lớn nếu không lựa theo nhịp sóng thì rất dễ bị thương tích, nhẹ thì xây xát, nặng có thể gãy tay, chân. Vì vậy, chỉ huy và các chiến sĩ đoàn Hải quân vùng II dặn dò, hỗ trợ cánh phóng viên từng ly từng tí nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Cứ thế chiếc xuồng nhỏ lần lượt tới lui cho các chuyến tiếp theo. Đến lúc này, khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời phóng viên của tôi không phải là hai lần đầu tiên (một lần ra biển và một lần lên nhà giàn) mà là lúc bập bềnh trên xuồng cưỡi sóng cập mạn nhà giàn.
Những con sóng ngầm thình lình nhô lên cao gần hai mét, đổ ụp vào mạn xuồng như muốn nuốt chửng chúng tôi. Với kinh nghiệm của người lính hải quân, Trung úy chuyên nghiệp hàng hải số 1 tàu HQ 624, Vùng II Hải quân Nguyễn Văn Mạnh đã lựa từng con sóng hợp lý, tăng, giảm ga phù hợp để đưa đoàn tiếp cận nhà giàn.
Lên được nhà giàn lại là một kỳ công nữa, bởi theo anh em chiến sĩ, nếu vào mùa sóng yên, biển lặng thì chỉ cần xuồng cập vào thang là có thể lên được, nhưng gió to, sóng lớn việc lên cầu thang là không thể vì rất nguy hiểm. Do vậy, dùng ròng rọc kéo từng người từ xuồng lên nhà giàn cao gần 20 mét là an toàn nhất.
Sau gần hai tiếng, hơn 10 người chúng tôi mới đu dây vượt sóng trèo lên tới nhà giàn. Với những người lính hải quân, đó là công việc đơn giản, nhưng với anh em phóng viên thì đó là khoảnh khắc nhớ đời, như một trò ú tim giữa biển và như một chiến tích. Riêng tôi, khoảnh khắc đó còn ấn tượng hơn nhiều khi là người cuối cùng trong chuyến xuồng thứ hai vào nhà giàn. Lúc chuẩn bị bước lên dây chờ mọi người kéo lên cũng là lúc chiếc xuồng bị sóng đánh mạnh va vào chân nhà giàn nên bị chòng chành, lắc mạnh cảm giác như sắp bị lật úp. Lúc này anh lái xuồng đã nhanh tay tăng ga, quay đầu để tránh cú va chạm lần thứ hai với chân nhà giàn.
Cuối cùng, cũng đặt chân lên nhà giàn DK1/10. Những cái bắt tay đầy tình cảm, những lời chúc tốt đẹp, không đủ trước tình cảm dâng trào với anh em chiến sĩ giữ gìn biển đảo quê hương. Có lẽ không nơi nào khó khăn như ở nhà giàn, nhưng vượt qua những khó khăn vật chất, thiếu thốn tình cảm anh em vẫn sống với nhau bằng tình cảm gia đình, của những người con quê hương mang nặng trách nhiệm, nghĩa vụ giữ gìn sự bình yên của tổ quốc.
Tết thắm tình đồng đội
Trong không khí ấm áp của nắng, gió biển chúng tôi như thấy mình cũng là những chiến sĩ hải quân. Sau bữa cơm trưa nhanh gọn đầy tiếng cười hạnh phúc, anh em chiến sĩ lại bắt tay vào công việc thường ngày.
Thiếu tá, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK 1/10 Nguyễn Văn Hùng cho biết: Công việc hằng ngày của anh em là trực quan sát, báo cáo về sở chỉ huy các cấp kịp thời. Bên cạnh đó, là huấn luyện cán bộ, chiến sĩ các phương án chiến đấu tại chỗ, hướng dẫn các anh em hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chuyên ngành được giao. Anh Hùng, là một trong những người có thâm niên công tác tại nhà giàn, bởi năm năm liền từ 2005 đến nay, năm nào anh cũng tham gia công tác tại các nhà giàn. Kỷ niệm đầu tiên của anh là năm 1995 tại nhà giàn DK1/20. Anh tâm sự, ấn tượng đầu tiên là thấy sừng sững giữa biển khơi có nhà giàn cao to như vậy và cũng hạnh phúc khi đơn vị giao cho chỉ huy nhà giàn, mặc dù còn bỡ ngỡ nhưng được sự giúp đỡ của chỉ huy và anh em nên công việc dần đi vào ổn định.
Làm bánh chưng đón xuân sớm trên nhà giàn DK-1.
Trung úy Hoàng Vũ, quê Quảng Thái, Quảng Xương (Thanh Hóa) tâm sự: “Tôi ra công tác tại nhà giàn từ tháng 8-2009. Ra đến đây thấy thật cảm động vì giữa biển khơi lá cờ tổ quốc bay phấp phới và tự hào là mình được cầm súng bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Mặc dù tình cảm dành cho đất liền, cho gia đình nhiều, nhưng trên hết luôn hướng tới nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Đợt này về đất liền để anh em khác ra thay, tôi thấy nhớ đồng đội, nhớ biển và luôn sẵn sàng ra công tác tại nhà giàn khi Đảng, Nhà nước và nhân dân cần tới”.
Buổi chiều đầu tiên trên nhà giàn với cánh phóng viên là lần đầu tiên sau hơn hai ngày đêm không phải lắc lư theo từng con sóng. Đồng hành cùng đoàn chúng tôi ngoài lương thực, thực phẩm, nước, mai vàng, lá dong còn là những lá thư chứa đựng bao tình cảm nơi đất liền của những người mẹ, người vợ, anh, chị, em và người yêu gửi tới động viên các anh yên tâm công tác và đón Tết vui vẻ. Có lẽ trên nhà giàn Tết ở đây thường đến sớm hơn đất liền.
Ở nơi nhà giàn giữa mênh mông biển cả, hôm nay chan chứa bao niềm vui, được cùng nhau gói bánh chưng mỗi người một việc, người rửa, cắt cuống lá dong, người đồ đậu xanh, người ướp thịt lợn, người vo gạo. Khi các nguyên liệu đã đầy đủ, tất cả lại xúm nhau vào gói. Sau gần một tiếng những kẹp bánh chưng vuông vắn đã được đưa vào nồi đun.
Buổi tối luộc bánh chưng thật là vui, anh em nhà giàn phân công nhau túc trực trông bánh chín. bốn giờ sáng, khi đã đủ thời gian, những chiếc bánh được vớt ra nồi, mùi thơm của gạo nếp quện với mùi của lá dong cảm giác như Tết đã đến với nhà giàn rộng chừng 100 m3 giữa vùng bãi cạn Cà Mau này. Khi những chiếc bánh chưng đã được vớt ra khỏi nồi, cũng là lúc anh em lục đục dậy làm thịt lợn.
Con lợn ỉ gần một tạ nuôi tại nhà gian đã gần một năm, ngoài một phần để đãi khách, phần còn lại được đun chín sử dụng dần. Sáng ra, công việc đã hoàn tất, hai kẹp bánh chưng xanh, một chiếc thủ lợn đã được đặt lên trên bàn có ảnh Bác Hồ, tất cả mọi người trong đoàn mỗi người một nén nhang thắp lên tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tiếng cười nói lại tràn ngập khắp căn “nhà nhỏ” người nhận đồng hương, người hỏi về công việc, người hỏi về gia đình.
10 giờ sáng, mọi công việc đã ổn định những chiếc chiếu nhỏ được trải ra sàn, bữa cơm tất niên sớm được bày ra nào thịt nướng, thịt luộc... Chúng tôi không ngờ rằng ở nơi biên cương này mà các anh nấu được những món ăn ngon đến vậy. Tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món bánh chưng xanh vừa có vị thơm, dẻo của gạo nếp cái hoa vàng, vừa có độ ngọt, đậm của thịt lợn, cay của hồ tiêu, ngai ngái của lá dong.
Sau bữa cơm tất niên sớm, với các món ăn cây nhà lá vườn trên nhà giàn, tuy đạm bạc nhưng chứa chan bao tình cảm, lời động viên chiến sĩ ra nhận nhiệm vụ, lời chúc Tết của các anh gửi về gia đình ở đất liền. Đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vượt sóng, gió ngược về huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tạm biệt, DK1/10 chúc các anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ở nơi hậu phương chúng tôi luôn nhớ tới và thầm cảm ơn các anh đã ngày đêm âm thầm canh giữ cho sự bình yên của tổ quốc.