Theo truyền thống, Tết Chuseok là dịp lễ vào thời điểm khi những cơn mưa và những đợt nắng nóng gay gắt cuối cùng của mùa hè kết thúc, đất trời chuyển sang thu và mọi người bắt đầu chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới. Bởi vậy, người Hàn Quốc cũng coi đây là dịp lễ tạ ơn, cảm tạ tổ tiên vì đã giúp mùa màng no đủ và cầu mong cho mùa màng năm sau bội thu.
Một cậu bé trong trang phục truyền thống cùng cha nhau chơi gụ ở làng Namsangol Hanok, ngoại ô Seoul. Ngôi làng này vẫn lưu giữ rất nhiều phong tục truyền thống để người dân Hàn Quốc được sống trong không khí truyền thống của Tết Chuseok (Ảnh: Yonhap)
Tết Chuseok cũng là “Tết đoàn viên” của các gia đình Hàn Quốc. Kỳ nghỉ này thường được kéo dài trong ba ngày làm việc, người dân Hàn Quốc lại có dịp trở về quê hương, quây quần bên gia đình cùng nhau ngắm trăng, vui chơi và thưởng thức các thức vị riêng có vào mùa thu.
Bé gái thả diều truyền thống ở làng Namsangol Hanok (Ảnh: Yonhap)
Công việc quan trọng nhất trong ngày Tết Chuseok là thể hiện lòng thành kính với tổ tiên theo nghi thức Beolcho và Seongmyo. Vào ngày này, các gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng đến phần mộ của tổ tiên để dọn dẹp, làm sạch khu vực quanh mộ. Sau đó, người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa dâng lên cúng tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.
Các em bé học cùng cha mẹ làm bánh gạo Songpyeon ở thủ đô Seoul (Ảnh: Yonhap)
Đêm trước Tết Chuseok, các gia đình Hàn Quốc lại quân quầy bên nhau để cùng làm món bánh gạo Songpyeon, một trong những món ăn đặc trưng của ngày Tết Chuseok. Bánh Songpyeon được làm bằng bột nếp hình nửa mặt trăng và có rất nhiều hương vị khác nhau như đậu đỏ, đậu nành, vừng…. và hấp với lá thông tươi. Dù xa xưa hay cho đến thời hiện đại ngày nay, người Hàn Quốc vẫn giữ gìn phong tục cùng nhau làm bánh, thể hiện sự quan trọng của gia đình trong xã hội Hàn Quốc. Trong những thức vị của Tết Chuseok không thể thiếu món hồng khô. Ngoài ra một trong những đồ uống không thể thiếu được trong ngày Chuseok, đó là rượu truyền thống baekju (rượu trắng) làm từ loại gạo mới.
Điệu múa truyền thống Hàn Quốc trong Tết Chuseok (Ảnh: Yonhap)
Trong những ngày nghỉ Tết Chuseok, người dân Hàn Quốc chơi nhiều trò chơi dân gian như cùng nắm tay nhau xếp thành vòng tròn, múa ganggangsullae dưới ánh sáng của đêm trăng rằm, thi kéo co juldrigi, chơi đấu vật, bắn cung,…
Các hộp quà được bày bán trong các siêu thị vào dịp Tết Chuseok (Ảnh: asiasociety)
Vào ngày nay, các phong tục truyền thống của Tết Chuseok vẫn được giữ nguyên vẹn, nhưng ngày nay, Tết Chuseok còn là dịp người Hàn Quốc tặng quà cho người thân, bạn bè, đối tác để bày tỏ sự cảm ơn và trân trọng. Ở các cửa hàng, siêu thị bày bán rất mặt hàng phù hợp để làm quà tặng ý nghĩa từ trái cây tươi, thịt bò chất lượng cao, đồ dùng… theo nhu cầu của mọi đối tượng. Trong cuộc sống hiện đại bận rộn ngày nay, Tết Chuseok cũng trở thành dịp để người dân Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ, nghỉ ngơi, đến các điểm vui chơi sau khi đã thực hiện các nghi lễ truyền thống bên gia đình.
Mọi người tham gia trò chơi bắn cung truyền thống ở làng Namsangol Hanok (Ảnh: Yonhap)
Các em bé chơi trò chơi truyền thống trong Tết Chuseok ở Seoul (Ảnh: Yonhap)
Giao thông tấp nập sát ngày nghỉ Tết khi người dân rời khỏi Seoul trở về quê nhà (Ảnh: Yonhap)