Test nhanh kém nhạy, người dân không nên chủ quan

NDO -

Có những người có triệu chứng nhiễm Covid-19 rõ ràng nhưng test nhanh vẫn âm tính. Trong khi đó, có người chỉ ngày thứ 3 sau nhiễm đã có kết quả âm tính, nghĩ mình đã khỏi bệnh và tiếp tục trở lại cuộc sống bình thường. Điều này sẽ gây ra nguy cơ dịch bệnh lan rộng nếu người dân không thực hiện xét nghiệm đúng, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Nhiều loại kit test được bán trên thị trường. (Ảnh: SƠN BÁCH)
Nhiều loại kit test được bán trên thị trường. (Ảnh: SƠN BÁCH)

Nhiều lý do khiến test nhanh kém nhạy với chủng Omicron

Chị Trần Hoài Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) sau 3 ngày test nhanh 1 vạch, cơ thể không còn mệt mỏi như trước, chị Thu bỏ cách ly với gia đình và bắt đầu ra đường để giải quyết một số công việc. Mặc dù vẫn tuân thủ 5K và khẩu trang, nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn có.

4 ngày sau, chồng con chị có triệu chứng mệt mỏi, hai bé sốt cao. “Tôi chủ quan nghĩ test nhanh âm tính 1 vạch là mình đã âm tính. Khi thấy cả nhà bị nhiễm, tôi đi làm PCR thì kết quả vẫn dương tính, chỉ số CT là 26,5, vẫn ở mức lây nhiễm cao”, chị Thu nói. 

Cả ba vợ con anh Nguyễn Đăng Minh (Hà Đông, Hà Nội) đều là F0 sau khi con trai lớn học lớp 7 của anh nhiễm Covid-19 từ trường học. Tuy nhiên, test nhiều lần anh vẫn cho kết quả âm tính dù cả ba mẹ con đều có vạch T rất đậm. Công việc làm quản lý khá bận rộn khiến anh Minh không thể vắng mặt tại các cuộc họp. 

Cơ thể anh không có dấu hiệu mệt mỏi hay triệu chứng của cảm cúm, nhưng khi test lại cho vợ con sau ngày thứ 7, anh tiện test cho bản thân thì phát hiện mình đã dương tính, vạch T rất đậm. “Có thể tôi đã bị nhiễm lâu nhưng không biểu hiện triệu chứng và test nhanh không nhạy. Tôi vẫn đi làm bình thường và cũng nghĩ mình không có nhiều nguy cơ”, anh Minh nói. 

Test nhanh kém nhạy, người dân không nên chủ quan -0
 Nhiều người dù có triệu chứng nhưng test vẫn chỉ hiển thị 1 vạch.

Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp dù test nhanh nhiều lần nhưng kết quả cũng chưa chuẩn xác. Người dù kết quả test nhanh âm tính nhưng thực tế vẫn chưa hết virus trong cơ thể, chỉ số CT vẫn thấp. Người thì test nhanh không dương tính, nhưng có thể đã mang virus từ lâu. Điều đó dẫn tới nhiều người lầm tưởng mình chỉ có cảm giác của cảm cúm thông thường khi thấy test nhanh không lên vạch.

Theo các chuyên gia, hiện nay, các test kháng nguyên dường như giảm độ nhạy với chủng Omicron, đặc biệt ở người có miễn dịch tốt, tải lượng virus thấp. Nhiều trường hợp test 5-7 lần vẫn âm tính dù có dấu hiệu, khi xét nghiệm PCR mới khẳng định.

Có hiện tượng này, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, có thể do độ nhạy của phương pháp xét nghiệm, do chất lượng kit test hoặc thời điểm lấy mẫu và cách lấy mẫu khiến kết quả test nhanh không chính xác. 

Ngoài ra, chủng BA.1 cũng như chủng phụ BA.2 có đặc điểm lây bệnh rất nhanh, đôi khi đã xâm nhập vào cơ thể nhưng kháng nguyên vẫn chưa biểu hiện, do đó một vài ngày đầu phơi nhiễm có thể chưa phát hiện được bằng test nhanh. 

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng cũng chia sẻ rằng, hiện nay việc tự test nhanh tại nhà không thể chính xác vài người dân có thể gặp những thao tác chưa đúng trong tự lấy mẫu hoặc sai thời điểm lấy mẫu, cũng như độ nhạy của test nhanh kém... khiến kết quả sai lệch. Theo đó, với test nhanh, nếu chỉ số CT ở ngưỡng 25-30 hoặc trên 30 thì rất khó phát hiện ra virus. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, người dân đang loay hoay xét nghiệm rất nhiều nhưng xét nghiệm có chuẩn hay không, có chính xác hay không thì chưa ai nói được điều này. Do đó, bác sĩ Thái cho rằng đến thời điểm này chúng ta vẫn dựa theo các kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước khi họ vẫn tính thời gian âm tính ở ngày thứ 7, có người dài hơn, có người ngắn hơn.

Bởi vậy, với các F0 tốt nhất đến ngày thứ 7 xét nghiệm lại. Điều kiện khỏi bệnh mà F0 phải nhớ đó là cách ly đủ 7 ngày và xét nghiệm âm tính. Nếu 2, 3 ngày xét nghiệm âm tính thì vẫn chưa xác định khỏi bệnh mà vẫn cần theo dõi đủ 7 ngày.

Người đã đủ 7 ngày chưa âm tính thì theo dõi thêm 3 ngày. Khi đó mới không có nguy cơ lây virus ra cộng đồng. Để biết chính xác nhất virus còn tồn tại hay không và có nguy cơ như thế nào, người dân nên làm PCR.

Dù mắc biến thể nào vẫn tập trung điều trị triệu chứng

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Omicron có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các biến thể trước đó, chỉ khoảng 3 ngày. Các triệu chứng thường bao gồm ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi. Hiện vẫn chưa rõ thời gian người bệnh có thể lây lan virus cho người khác là trong bao lâu.

Từ thực tiễn điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, chủng Omicron được cho khả năng lây lan nhanh hơn Delta và động lực, diễn biến không nặng so với chủng cũ.

“Hiện chưa có nghiên cứu đối kháng chủng Omicron hay Delta giống khác nhau như thế nào, nhưng sơ bộ có vẻ tỷ lệ bệnh nhân nhiễm chủng Delta mất khứu giác, rối loạn thị giác cao hơn chủng Omicron. Để nhận biết chính xác mình nhiễm biến thể nào, chúng ta phải giải trình tự gene”, bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh, theo các tài liệu nghiên cứu của thế giới, chủng Omicron rất nhẹ so với biến chủng Delta, gây bệnh nặng và tử vong thấp hơn. Trẻ em mắc biến chủng Omicron cũng nhẹ, đau họng thoáng qua, có trẻ sốt cao nhưng chỉ sau 24-36 giờ là hết.

Mặc dù người nhiễm Omicron sẽ nhẹ hơn Delta, kể cả với các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, nhưng vẫn cần phải lưu ý tới vấn đề chuyển biến nặng

Có 2 triệu chứng của người mắc chủng Omicron là sốt và rét run. Triệu chứng này được giải quyết bằng thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, Panadol. Ngoài ra người bệnh phải uống nước ấm, uống đủ nước, ăn sữa chua để hỗ trợ thêm.

Bác sĩ Khanh cho biết, may mắn cơn sốt của người mắc biến chủng Omicron ngắn hơn, nhẹ hơn chủng Delta. Tùy từng cơ địa, có người sốt cao, có người sốt nhẹ, đặc biệt có người lạnh run dù không sốt cao. Tuy nhiên không thể chỉ dựa triệu chứng để có thể chẩn đoán mắc Omicron hay Delta. Do đó, muốn biết nhiễm biến thể nào, phải giải trình tự gene.

"Dù mắc biến thể Omicron hay Delta thì việc điều trị Covid-19 vẫn chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng. Việc sử dụng thuốc kháng virus cần tùy đối tượng người bệnh và do bác sĩ chỉ định", bác sĩ Khanh nói. 

Các chuyên gia cảnh báo, người dân không nên chủ quan cho rằng nhiễm Omicron sẽ nhẹ hơn Delta mà không cần chú trọng điều trị, theo dõi. Dù nhiễm biến thể gì thì cách điều trị, cách ly, theo dõi vẫn cần theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các thầy thuốc, đặc biệt là theo dõi sát các triệu chứng, diễn biến để báo y tế kịp thời.

Để phòng ngừa Covid-19 và giảm nguy cơ phải nhập viện, việc quan trọng nhất vẫn là tiêm đầy đủ các mũi vaccine và thực hiện biện pháp 5K.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan