NGÀY THI ÐẤU THỨ TƯ TẠI OLYMPIC PARIS 2024

Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh có khởi đầu thuận lợi

Trong ngày thi đấu thứ tư (30/7) tại Olympic Paris 2024, tay vợt cầu lông nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh có trận ra quân thắng lợi để tạo đà cho lượt trận thứ hai ở vòng bảng, trong khi vận động viên (VÐV) đua thuyền rowing Phạm Thị Huệ không thể vượt qua vòng tứ kết.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Thùy Linh giành thắng lợi trong trận ra quân tại Olympic Paris 2024.
Nguyễn Thùy Linh giành thắng lợi trong trận ra quân tại Olympic Paris 2024.

Hôm qua, đoàn thể thao Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Australia, Hàn Quốc tiếp tục cạnh tranh quyết liệt trong tốp 5 đoàn dẫn đầu với khoảng cách biệt Huy chương vàng (HCV) sít sao. Dấu ấn trong ngày thi đấu là cú đúp HCV cá nhân của đấu kiếm Hồng Công (Trung Quốc).

Rạng sáng 30/7, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đã giành thắng lợi trong trận ra quân tại Olympic Paris 2024 tại bảng K đơn nữ môn cầu lông. Theo kết quả bốc thăm nội dung đơn nữ, Nguyễn Thùy Linh (hạng 26 thế giới) thuộc bảng đấu với Beiwen Zhang (Mỹ, hạng 11 thế giới) và Tiffany Ho (Australia, hạng 80 thế giới).

Ở trận đầu, Thùy Linh gặp tay vợt bị đánh giá yếu nhất bảng là Tiffany Ho. Trước đó, tại vòng loại Giải master ở Tây Ban Nha vào tháng 3 vừa qua, Thùy Linh từng thắng Tiffany Ho 2-0 (21-10, 21-9).

Bước vào trận đấu, tay vợt nữ Việt Nam đã chơi lấn lướt ngay từ đầu, kiểm soát được thế trận và liên tục giành điểm để thắng cách biệt ván đấu đầu tiên với tỷ số 21-6. Bước vào ván thứ hai, Thùy Linh tiếp tục dẫn trước đến 10-0 thì đối thủ mới có được điểm số đầu tiên.

Trong khoảng thời gian còn lại của ván đấu, Tiffany Ho có dấu hiệu bị áp lực, để lộ nhiều sai sót và phải chấp nhận thua tới 3-21. Thắng chung cuộc 2-0 sau 33 phút thi đấu, Nguyễn Thùy Linh sẽ gặp Beiwen Zhang của Mỹ vào chiều nay 31/7, tay vợt cũng có chiến thắng vượt trội trước đó khi cũng đánh bại Tiffany Ho với hai ván thắng 21-9 và 21-4. Nếu vượt qua được Zhang, Thùy Linh sẽ giành quyền đi tiếp vào vòng đấu loại trực tiếp.

Dù thấp hơn Zhang 15 bậc trên bảng xếp hạng thế giới, nhưng tay vợt 26 tuổi của Việt Nam có lợi thế sức bền tốt hơn so với đối thủ đã ở tuổi 34. Thùy Linh đã từng thắng Zhang 2-1 (17-21, 21-12, 24-22) tại vòng 32 Giải cầu lông Artic Open Phần Lan năm 2023. Nhận xét về Zhang, Thùy Linh cho biết: "Bây giờ cô ấy đánh hay hơn nhiều. Ðây thật sự là đối thủ rất cân sức và khó nhằn. Tôi sẽ phải tập trung tối đa và sẽ cố nắm bắt cơ hội".

* Sau khi vượt qua vòng loại khi giành chiến thắng ở lượt đua tranh vé vớt, chiều 30/7, tay chèo Phạm Thị Huệ đã tranh tài ở tứ kết đua thuyền đơn nữ hạng nặng rowing.

Ở vòng đấu này, tay đua của Việt Nam thi đấu ở lượt tứ kết hai với các đối thủ rất mạnh của Mexico, Hà Lan và Ðức từng giành thứ hạng cao ở các cuộc thi thế giới, châu Âu và vô địch trẻ thế giới.

Bước vào thi đấu, Phạm Thị Huệ không xuất phát tốt và dù rất nỗ lực, nhưng cô vẫn bị các đối thủ bỏ xa, không thể thu hẹp được khoảng cách trên đường đua. Chung cuộc, Huệ về cuối với thời gian 7 phút 56 giây 96.

Dẫn đầu lượt bơi này là Karolien Florijin (Hà Lan, thành tích 7 phút 29,07 giây), xếp sau là Alexandra Foester (Ðức, thành tích 7 phút 30,98 giây). Không lọt vào nhóm tranh huy chương, Phạm Thị Huệ sẽ phải thi đấu bán kết nhóm dưới để xác định vị trí từ 13 đến 24 diễn ra vào chiều nay 31/7.

* Nữ kiếm thủ 30 tuổi người Hồng Công (Trung Quốc) Vivian Kong Man đã xuất sắc mang về HCV ở nội dung kiếm 3 cạnh. Vui mừng với chiến thắng, cô cho biết sẽ dành một phần tiền thưởng trị giá 6 triệu đô-la Hồng Công (khoảng 768.000 USD) từ Câu lạc bộ Jockey Hồng Công (HKJC) để thành lập một tổ chức từ thiện. Phần còn lại của số tiền mặt mà HKJC trao cho các VÐV giành HCV sẽ được dùng để mua "quà cho bạn bè, gia đình và huấn luyện viên của tôi".

Vivian Kong Man chia sẻ, mặc dù chỉ ngủ từ hai đến ba giờ trong cả hai đêm trước trận chung kết tại Thế vận hội, nhưng cô vẫn đủ khả năng chiến thắng đối thủ là VÐV nước chủ nhà Auriane Mallo và giành ngôi vô địch. Kong tiết lộ đã dành hầu như toàn bộ thời gian tại Pháp cho hai người bạn từ Hồng Công (Trung Quốc) sang đây cổ vũ cô thi đấu.

* Cùng với Vivian Kong Man, một kiếm thủ khác của Hồng Công (Trung Quốc) là Cheung Ka Long đã làm nên lịch sử sau khi bảo vệ thành công HCV kiếm liễu cá nhân nam của mình tại Olympic Paris khi đánh bại Filippo Macchi người Italia 15-14 để trở thành VÐV đầu tiên của Hồng Công vô địch Olympic hai lần.

Tuy nhiên, kết quả này có nhiều tranh cãi khi người hâm mộ Italia nhanh chóng lên mạng xã hội, thậm chí để lại bình luận trên tài khoản cá nhân của Cheung khi cho rằng trọng tài đã thiên vị, đồng thời tuyên bố Macchi là "người chiến thắng về mặt đạo đức".

Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh có khởi đầu thuận lợi ảnh 1

Cheung Ka Long (bên phải) đoạt HCV môn đấu kiếm tại Olympic Paris 2024 và cũng là HCV thứ hai liên tiếp qua hai kỳ Thế vận hội. (Ảnh News.gov.hk)

Dù vậy, Cheung vẫn là VÐV thứ ba trong lịch sử Olympic kể từ năm 1956 giành được hai HCV Olympic ở nội dung kiếm liễu. Phát biểu với các kênh truyền thông địa phương, Cheung nói: "Ðó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Với một huấn luyện viên người Pháp, tôi đã giành chiến thắng và vô cùng hạnh phúc". Cheung bày tỏ hy vọng rằng màn trình diễn của anh sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người.

* Koki Kano, 26 tuổi của Nhật Bản, đã vô địch ở nội dung đấu kiếm 3 cạnh (epee) cá nhân nam, hoàn thành mục tiêu ấp ủ từ lâu là giành HCV cá nhân tại Thế vận hội, sau khi giành được HCV đồng đội tại kỳ Olympic Tokyo 2020 tổ chức ở quê nhà. Nam kiếm thủ bắt đầu tập luyện thể thao ở môn thể dục dụng cụ từ năm 4 tuổi, nhưng khi chứng kiến Yuki Ota giành HCB đấu kiếm tại Olympic 2008, anh đã tham gia tập luyện môn đấu kiếm từ năm lớp 6.

Nhận thấy việc kiếm liễu bị giới hạn trong việc đánh vào thân của đối thủ bằng mũi kiếm, cho nên Kano đã tập trung vào kiếm ba cạnh để có thể ghi điểm bằng cách đâm mũi kiếm, chứ không phải chém. Theo anh, điều đó khiến kiếm thủ điềm tĩnh hơn vì cần phải cân bằng giữa tấn công và phòng thủ. Mở đầu bằng chiếc HCV đồng đội nam ở Olympic Tokyo 2020, Kano đã thực hiện lời hứa của mình bằng một HCV cá nhân.